19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Bình Dương: Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp

Cập nhật lúc: 27/05/2022, 12:42

Tỉnh Bình Dương phát huy lợi thế mô hình kinh tế tuần hoàn - hợp tác 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đển định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

Mặc dù là tỉnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao nhưng chủ trương của tỉnh Bình Dương là hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển toàn diện và bền vững; trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 

Để thực hiện điều này, chính quyền tỉnh Bình Dương thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp NNCNC, vùng NNCNC. Đồng thời định hướng lựa chọn các mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP), năng suất cao. 

Ở lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bình Dương đã có sự chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường (hiện tại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 60-70%). 

Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao ở Khu NNCNC An Thái (Unifarm), xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (Ảnh: Báo Bình Dương).
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao ở Khu NNCNC An Thái (Unifarm), xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (Ảnh: Báo Bình Dương).

Ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 5.763,5ha. Trong đó, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh...

Toàn tỉnh hiện có có 4 khu NNCNC gồm: Khu NNCNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu NNCNC tại phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu NNCNC An Thái (huyện Phú Giáo).

Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; Tỉ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm trên 30%; Diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%. Giải pháp then chốt, trọng tâm mà tỉnh hướng đến là đẩy mạnh sản xuất NNCNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Áp dụng mô hình "3 Nhà" quản lý phát triển nông nghiệp

Đánh giá về sự phát triển của NNCNC của địa phương, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: "Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tiên tiến; tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm hình thành những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh theo hướng NNCNC.

NNCNC hướng phát triển bền vững.
NNCNC hướng phát triển bền vững.

Với việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của công nghệ, khoa học hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đến nay, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển ổn định, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bình Dương nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn; đặc biệt, với việc phát huy lợi thế của mô hình hợp tác 03 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn".

Với mô hình này, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo thông qua việc xây dựng thể chế hợp tác và định hướng cho hoạt động của Nhà doanh nghiệp và Nhà trường. Nhà nước khuyến khích mối tương tác giữa Nhà trường và Nhà doanh nghiệp.

Vai trò của Nhà nước được thể hiện qua bốn chức năng: Đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, tạo lập môi trường thuận lợi cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học, điều tiết hoạt động liên kết và hoạch định chính sách quốc gia.

Nhà nước là bên thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ qua việc hỗ trợ, phát triển các dự án, ươm tạo, các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; Trường đại học tăng cường quyền tự chủ; Doanh nghiệp ứng dụng những kết quả nghiên cứu và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà trường đóng vai trò là nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ Nhà doanh nghiệp trong việc nghiên cứu định hướng các ngành cần sản xuất và thương mại hóa.

Nhà doanh nghiệp cần chỉ ra những rào cản về thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế hợp tác phù hợp, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, thuế, đầu tư cho Nhà nước để xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Nhà doanh nghiệp sẽ thu nhận các giá trị từ Nhà trường thông qua việc chia sẻ cũng như bảo vệ tri thức. Các Nhà doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác với Nhà nước và các Nhà trường để đạt được mục tiêu chiến lược. Các yếu tố đầu vào và đầu ra trong các mối quan hệ hợp tác đó có có thể giúp định hình các mối quan hệ hợp tác giữa 3 chủ thể một cách rõ ràng và cụ thể hơn.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/binh-duong-ap-dung-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-vao-nong-nghiep-67488.html