24/11/2024 | 11:18 GMT+7, Hà Nội

Nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ có diễn biến như thế nào?

Cập nhật lúc: 18/11/2022, 09:03

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu rất có thể đang dần tiến tới một cuộc suy thoái khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng cũng sẽ không phải điều quá ngạc nhiên với nhiều người. Trong khi đó, chính sách chống dịch cứng rắn và thị trường bất động sản gặp khó khiến kinh tế Trung Quốc nguy cơ giảm tốc.

Trong một kịch bản cực đoan, tất cả điều đó có thể xảy ra cùng lúc. Khi ấy, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD, theo dự báo của Bloomberg Economics.

Viễn cảnh ảm đạm đó đã xuất hiện dần trong năm nay. Giai đoạn lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những biến số này đã biến mất năm nay, khiến lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và thị trường tài chính tổn thất đến hàng nghìn tỷ.

Nhưng vẫn có những hy vọng cho năm tới. Fed có thể "hạ cánh mềm" (thuật ngữ chỉ việc đưa lạm phát giảm về mục tiêu mà không làm gia tăng thất nghiệp nghiêm trọng). Thời tiết ấm áp có thể giúp châu Âu thoát khỏi suy thoái.

Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Một số khả năng đó đã xuất hiện tuần trước, khi các thị trường tăng điểm do lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến và các dấu hiệu về khả năng điều chỉnh biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Dự báo quy mô GDP toàn cầu (nghìn tỷ USD) với màu hồng (dự báo đưa ra vào cuối 2021), màu xanh (dự báo hiện tại) và màu vàng (kịch bản xấu). Đồ họa: Bloomberg
Dự báo quy mô GDP toàn cầu (nghìn tỷ USD) với màu hồng (dự báo đưa ra vào cuối 2021), màu xanh (dự báo hiện tại) và màu vàng (kịch bản xấu). Đồ họa: Bloomberg

Ngay cả khi những tín hiệu đó không thành hiện thực, những nhà đầu tư lạc quan vẫn có thể bắt đầu đặt cược vào sự phục hồi khi cho rằng lãi suất đã quá cao và tăng trưởng đã chạm đáy.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thiệt hại bởi bệnh dịch, xung đột và khan hiếm nguồn cung, theo Bloomberg, thật khó để lạc quan và nên lưu ý đến những những rủi ro sau đây:

Lãi suất cơ bản của Fed dự kiến đạt 5% vào đầu năm 2023

Có thể sẽ tăng từ mức gần 0 vào đầu năm nay. Việc Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã và đang làm tổn hại đến kinh tế Mỹ và thế giới. Nhưng vẫn còn nhiều tác động khác sắp xảy đến.

Với chi phí đi vay cao hơn, các ngành nhạy cảm với lãi suất từ bất động sản đến ôtô đang bị ảnh hưởng. Bloomberg Economics dự báo Mỹ suy thoái vào nửa cuối năm 2023. Hơn 2 triệu người Mỹ có thể sẽ mất việc.

Tình hình có thể tốt hơn nếu lạm phát biến mất nhanh chóng. Nhưng ngược lại, sẽ tệ hơn khi đại dịch khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khủng hoảng, đẩy "tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên" - mức độ thất nghiệp cần thiết để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát - lên cao hơn mức đã có trong những năm gần đây.

Nếu điều đó xảy ra ở Mỹ, Fed có thể phải tăng lãi suất cao tới 6%, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái dài hơn và sâu hơn. Khó khăn sẽ nhân rộng trên toàn thế giới, vì hầu hết quốc gia đều có chung vấn đề lạm phát và các ngân hàng trung ương cũng đang đi theo con đường tương tự Fed để khắc phục.

Những nền kinh tế cố đi ngược hướng này cũng không thể bình yên. Nhật Bản đã mắc kẹt với lãi suất âm, nhưng nước này đã phải trả giá đắt trên thị trường tiền tệ, với việc đồng yen mất hơn 15% giá trị so với USD.

Rủi ro nợ công

Khi tốc độ tăng trưởng cao hơn lãi suất, chi phí đi vay ít hơn. Vì vậy, các chính phủ đã tích cực vay nợ. Tổng nợ của nhóm G7 tăng từ 81% GDP năm 2007 lên 128% GDP năm nay.

Nhưng giờ tăng trưởng đang chậm lại còn lãi suất thì đi lên, có nghĩa là chi phí đi vay ngày càng đắt đỏ trong lúc đến hạn trả nợ. Vì vậy, một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững, trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh tài khóa khó khăn.

Các nhà đầu tư đang theo dõi Italy, nơi mức chi trả nợ (số tiền cần trả gồm gốc và lãi) dự kiến tăng lên 7% GDP vào năm 2030, từ 3% vào năm 2019. Italy có thể sẽ không vỡ nợ. Nhưng để tránh kết quả đó có thể cần một giải pháp khắc phục ở cấp độ châu Âu, thường là một quá trình không đơn giản.

Tại Anh, thị trường trái phiếu vừa thoát khỏi bờ vực sụp đổ khi bà Liz Truss từ chức Thủ tướng. Nhưng để giảm áp lực cho tài chính công và duy trì uy tín với các nhà đầu tư, Anh phải thắt lưng buộc bụng về ngân sách.

Dự báo nợ công nhóm G7 với màu hồng (dự báo vào tháng 1/2022) và màu xanh (dự báo vào tháng 10/2022). (Đồ họa: Bloomberg)
Dự báo nợ công nhóm G7 với màu hồng (dự báo vào tháng 1/2022) và màu xanh (dự báo vào tháng 10/2022). (Đồ họa: Bloomberg)

Ở Nhật Bản, Thống đốc ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda - kiến trúc sư của chiến lược lãi suất thấp - sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4. Người kế nhiệm ông sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: tiếp tục giữ lãi suất thấp với rủi ro nội tệ lao dốc; hoặc theo chân Fed và gây bất ổn cho một trong những khối nợ lớn nhất thế giới.

Ở một số thị trường mới nổi, tình thế tiến thoái lưỡng nan còn gay gắt hơn. Sri Lanka đã tiếp bước vỡ nợ sau Lebanon và Zambia. Dù vậy, ít nhất vấn đề dường như đã có lối ra.

Mô hình phân tích của Bloomberg Economics cho rằng rủi ro vỡ nợ sắp xảy ra tập trung ở các nền kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 3% GDP toàn cầu. Trong khi đó, các nước đang phát triển lớn hơn có khả năng thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một ngoại lệ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể vẫn theo đuổi các chính sách thậm chí còn phi chính thống hơn để thúc đẩy tăng trưởng, khiến đồng lira phải trả giá.

Hệ thống tài chính toàn cầu sẽ gặp nhiều biến động

Hệ thống tài chính không có nguy cơ suy thoái như năm 2008 nhưng bị đe dọa bởi lãi suất, trái phiếu, bất ổn địa chính trị, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Báo cáo 6 tháng về ổn định tài chính toàn cầu của Fed cho biết, những mối đe dọa tổng hợp của lãi suất tăng, thanh khoản trái phiếu giảm mạnh, và bất ổn địa chính trị đang làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế chung, với khả năng suy thoái vào năm tới sẽ tăng lên.

Ngoài ra, những biến động trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và một số nhà hoạch định chính sách. Trái phiếu kho bạc Mỹ vốn là một trụ cột chính của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu đến tài sản này có thể đang cạn dần, do hậu quả không mong muốn của tỷ giá tăng.

"Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đồng bộ, nhanh chóng trên toàn cầu; lạm phát gia tăng và sự bất ổn cao liên quan đến đại dịch và xung đột đang làm tăng nguy cơ của một cú sốc có thể dẫn đến việc khuếch đại các lỗ hổng. Chẳng hạn, căng thẳng thanh khoản trên các thị trường tài chính cốt lõi hoặc có dùng đòn bẩy", Phó chủ tịch Fed Lael Brainard, đánh giá.

Fed không công bố tình trạng báo động cho hệ thống tài chính toàn cầu mà chỉ vạch ra một loạt các mối đe dọa tiềm ẩn có thể ảnh hưởng. Một cú sốc không lường trước hoặc bất kỳ hậu quả không mong muốn nào từ cuộc chiến chống lạm phát của chính họ cũng đã được lưu ý.

Tuy nhiên, Fed cũng cho rằng hệ thống ngân hàng có vẻ ổn định và nợ hộ gia đình tại Mỹ không nổi lên như một nguồn chính đáng lo ngại. Giá của các tài sản rủi ro đã giảm do triển vọng kinh tế xấu đi và lãi suất tăng.

Hệ thống tài chính thế giới đã chứng kiến nhiều biến động trong 5 tháng qua. Mối quan tâm chính ở nhiều nơi là làm sao kiểm soát được lạm phát. Nhưng trái ngược với những năm dẫn đến cuộc Đại suy thoái - khi thị trường nhà ở dẫn đến sự suy thoái lớn của hệ thống tài chính - các nhà hoạch định chính sách hiện không lo lắng về loại bất ổn này.

Sau khi giá nhà ở Mỹ bùng nổ trong vài năm qua, Fed muốn hạ nhiệt thị trường này thông qua lãi suất cao hơn, từ đó dẫn đến các khoản vay thế chấp đắt hơn và cuối cùng là giá nhà thấp hơn. Dù vậy, các nhà môi giới và chuyên gia bất động sản cũng không cho là thị trường này sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, các lỗ hổng vẫn còn. Hồi tháng 5, trong số các nhóm được Fed khảo sát, không có người nào cho rằng sự bất ổn và biến động thanh khoản của thị trường là mối lo ngại. Nhưng đến tháng 11, 54% cho biết có rủi ro.

Dù vậy, tỷ lệ lo ngại về lạm phát tiếp tục ở mức cao trong khi lãi suất tăng đã giảm nhẹ xuống 62% vào tháng này, so với 68% hồi tháng 5. Xung đột Ukraine cũng ít lo ngại hơn, với 62% hiện tại so với 77% của lần khảo sát trước.

Nhưng hậu quả kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine, và căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác, vẫn tiếp tục lan rộng. Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trong mùa đông này. Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng đang chịu áp lực về kinh tế và an ninh quốc gia.

Trong khi đó, việc Fed tăng lãi suất mạnh đã củng cố đồng USD. Nhưng điều đó lại làm suy yếu các đồng tiền khác và khiến cuộc chiến chống lạm phát của các quốc gia khác trở nên khó khăn hơn

Châu Âu rơi vào tình trạng thiếu khí đốt và giá điện tăng vọt

Mảnh ghép cuối cùng của câu đố rủi ro toàn cầu là sự phân cực của thế giới, vốn đã gây ra những cái giá đắt đỏ cho châu Âu. Việc ủng hộ Ukraine đã khiến lục địa này rơi vào tình trạng thiếu khí đốt và giá điện tăng vọt. Bloomberg Economics dự báo, chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất sẽ đẩy khối này vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% vào năm 2023.

Với một chút may mắn (thời tiết tốt) và kỹ năng tốt (các chính sách đưa khí đốt khan hiếm đến đúng nơi), châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không có cả hai, kinh tế châu Âu sẽ co lại tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giá dầu thô đã giảm từ mức cao nhất gần 130 USD một thùng trong nửa đầu năm nay nhưng rủi ro từ các biện pháp trừng phạt mới với Nga, nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC, có thể đẩy nó tăng trở lại vào năm sau, mở ra thử thách mới cho vấn đề năng lượng của châu Âu.

Những rủi ro khác

Còn nhiều yếu tố tiềm tàng khác có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm sau. Đầu tiên là mối quan hệ giữa các cường quốc. Cuộc đối đầu với Nga khiến châu Âu thiếu năng lượng là một ví dụ về sự rạn nứt địa chính trị.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chưa ấm lại. Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên mức thuế do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt và tiến thêm một bước với lệnh cấm vận bán các chất bán dẫn tiên tiến. Mối quan hệ thương mại bị rạn nứt là một lực cản khiến tăng trưởng chậm lại ở cả hai nước.

Một rủi ro khác là thị trường bất động sản nhiều nơi đang dễ tổn thương. Dòng tiền thắt chặt đồng nghĩa với việc thị trường nhà ở trên toàn thế giới đã đến thời kỳ khủng hoảng. Các quốc gia như Canada và New Zealand - vốn được xếp hạng trong số các thị trường nhà ở đắt giá nhất - có thể bị tổn thương hàng đầu.

Mỹ không đứng đầu bảng xếp hạng rủi ro về bất động sản, nhưng cũng không an toàn mấy. Bloomberg Economics ước tính thị trường này sẽ phải giảm 15% giá trên toàn quốc để đưa các khoản thanh toán vay thế chấp phù hợp với thu nhập của các hộ gia đình.

Ngoài ra, còn có những rủi ro không nằm gọn trong bất kỳ nhóm nào đã nêu. Một biến thể mới, nguy hiểm hơn của Covid-19 sẽ là một đòn giáng mạnh. Lũ lụt gần đây ở Pakistan - ảnh hưởng đến 33 triệu người và đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng - cho thấy tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến trở nên thường xuyên hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Nhưng cuối cùng, vẫn có một ưu điểm tiềm năng là tâm lý các nhà đầu tư. Nếu họ nhận ra được đỉnh lãi suất của Fed và đáy của tăng trưởng Trung Quốc, họ có thể thúc đẩy các đợt phục hồi của thị trường bằng cách đặt cược vào một tương lai tươi sáng hơn, ngay cả khi hiện tại có vẻ ảm đạm.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nen-kinh-te-the-gioi-trong-nam-2023-se-co-dien-bien-nhu-the-nao-73497.html