20/01/2025 | 16:10 GMT+7, Hà Nội

Vốn “mỏng” đã triệt tiêu sự cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội

Cập nhật lúc: 13/01/2019, 13:35

Trong khi các DN FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực CNHT thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1-3%/năm, nhưng các DN CNHT trong nước phải vay với lãi suất từ 8-10%/năm. Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN CNHT trong nước.

Các DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng (Ảnh TL)
 

Theo Bộ Công Thương, một trong những bức xúc nổi cộm về mặt chính sách phát triển CNHT không thể không kể đến là chính sách tín dụng. Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của DN Việt Nam như DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, điều này khiến các DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Mặt khác, trong khi các DN FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực CNHT thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1-3%/năm, nhưng các DN CNHT trong nước phải vay với lãi suất từ 8-10%/năm. Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN CNHT trong nước.

“Có thể đánh giá đây là một trong những nguyên nhân, rào cản chính khiến các DN CNHT khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn đến việc cản sản phẩm của DN trong nước khó tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Phạm Công Tạc cho rằng, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều DN CNHT chưa tiếp cận được các ưu đãi theo quy định.

“Những cơ chế chính sách cũng chưa đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng ứng dụng của các DN công nghệ cao trong lĩnh vực CNHT”, ông Tạc cho biết.

Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN CNHT đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các DN sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số DN Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, nhưng rất ít DN có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý cũng như nhân lực.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong tương lai gần, ngành CNHT của Việt Nam có triển vọng phát triển lớn. Đó là cơ hội tham gia sâu của công nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Trong nền sản xuất công nghiệp trên thế giới hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quyết định dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu.

Đức Minh