22/11/2024 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bất động sản phía Nam sẽ bẻ lái ngược ra miền Bắc?

Cập nhật lúc: 13/01/2019, 02:32

Thị trường bất động sản phía bắc vốn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường miền Nam đang chịu tác động lớn từ các cuộc thanh tra kiểm tra liên quan đến sai phạm dự án cũng như các quyết định thắt chặt việc chuyển nhượng phát triển dự án, thì trường miền Bắc trơ thành miền đất hứa với các nhà đầu tư phương Nam.

Thị trường bất động sản phía Nam tiêu biểu nhất là TP.HCM đang xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại như thiếu nguồn cung do quỹ đất hạn chế, thủ tục dự án kéo dài, quy hoạch phát triển nhà ở đã hạn chế phát triển các dự án mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp... Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tìm kiếm quỹ đất sạch mới, dịch chuyển đầu tư ra vùng ven và các khu đô thị vệ tinh quanh TP.HCM, hay phát triển dự án tại các thành phố giàu tiềm năng khác.

Trong khi thị trường địa ốc TP.HCM đã bão hòa và khó lường hơn, nhiều nhà đầu tư cũng đã chuyển hướng dòng tiền đầu tư về các thị trường tiềm năng, nhất là đối với những địa phương có biển, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, đầu tư cho thuê và có hạ tầng phát triển như Bà Rịa -Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Song Chính phủ và các Bộ ngành đang có chiến dịch thanh tra, kiểm tra về tham nhũng bao gồm cả các tính miền Trung, thậm chí có những chỉ đạo tiếp tục kiểm tra để báo cáo kết quả vào tháng 3/2019. Theo đó, những chuyện sai phạm quanh các dự án sẽ bị xử lý, kể cả những sai phạm nhiều năm trước đây cũng bị hồi tố.

câu chuyện “khủng hoảng” của bất động sản trong thời gian tới rõ ràng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cầu của thị trường.

câu chuyện “khủng hoảng” của bất động sản trong thời gian tới rõ ràng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cầu của thị trường.

Đáng chú ý nhất là chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã quản lý "cứng nhắc" làm cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Cụ thể, gần đây chính quyền tỉnh này đã ban hành công văn 12143 ngày 27/11 yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phải kiểm tra tất cả các dự án đầu tư du lịch, nếu có thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn, thay đổi cổ đông... mà thuộc diện dự án chậm tiến độ thì phải lấy ý kiến các ngành liên quan, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến.

Từ đó có thể thấy rất rõ, câu chuyện “khủng hoảng” của bất động sản trong thời gian tới rõ ràng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cầu của thị trường. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư ở đâu để giảm bớt rủi ro và bản thân doanh nghiệp cũng “bẻ lái” đi tắt đón trước những chuyện có thể xảy ra trong tương lai gần. Những tên tuổi tiêu biểu có thể kể đến như Him Lam đang từng bước “Bắc tiến” và mở đầu là dự án Him Lam Green Park tại Bắc Ninh, hiện là tâm điểm mới của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc.

Trong một nguồn tin trước đó, Hưng Thịnh Corp cho biết sẽ sẽ Bắc tiến với việc vừa phát triển các dự án tại phía Bắc, vừa đem dự án ở phía Nam ra Bắc bán hàng tại trụ sở giao dịch mới được thành lập tại Hà Nội. Một "đại gia" đình đám khác cũng đặt mục tiêu trong năm 2018 là Đất Xanh Group cũng sẽ lần đầu tiên triển khai đầu tư dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư 577 cũng góp mặt tại thị trường Quảng Ninh với dự án Khu biệt thự Đồi Thủy Sản tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, làn sóng Bắc tiến của nhiều chủ đầu tư phía Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2019. Điều này khá trái ngược so với mọi năm là xu hướng Nam tiến của nhiều chủ đầu tư phía Bắc. Những tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, Bắc Ninh sẽ là tâm điểm của cuộc Bắc tiến này.

Trước nhận định phải chăng nhà đầu tư phía Nam "ngược ra" Bắc do thị trường bất động sản miền Nam đang bị quản chặt về pháp lý trong đó bao gồm cả việc thu hồi các dự án sau khi thanh tra phát hiện sai phạm cũng như chậm phê duyệt dự án cho nhà đầu tư, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam đưa ra quan điểm: “Về bản chất thì cần phân định ra rằng, những nhà đầu tư lớn thường là các chủ đầu tư, những nhà đầu tư nhỏ lẻ và tầng trung sẽ là những người tìm kiếm phát triển đa dạng các thị trường. Vậy thì đối với các nhà đầu tư ở đâu có cơ hội, người ta nhìn thấy khả năng sinh lời người ta sẽ đầu tư. Bên cạnh những câu chuyện chính sách, pháp lý thì chỗ nào khó kinh doanh thì sẽ chậm phát triển, mất cơ hội hút đầu tư còn chỗ nào đang thuận lợi thì sẽ tự động hút các nhà đầu tư đến.

Điều đó cho thấy là bất cứ địa phương nào đưa ra chính sách đầu tư hấp dẫn thì sẽ hút nhà đầu tư. Bên cạnh những khó khăn mà chúng ta đang thấy thì xu hướng nhà đầu tư không còn muốn bỏ vốn vào các dự án thành phố lớn nữa mà họ đang có xu hướng nhằm về các tỉnh lẻ. Tuy nhiên, tỉnh lẻ hút nhà đầu tư sẽ phải thông qua các tiêu chí, thế mạnh phát triển là gì? Tiềm năng và lợi thế ra sao”.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay: “Xu hướng doanh nghiệp bất động sản buộc phải hướng ra các tỉnh vùng ven phát triển là câu chuyện tất yếu của thị trường khi mà tại vùng lõi đã khó khăn, chật chội. Nếu một thị trường không thể tạo ra hàng cho doanh nghiệp thì buộc họ phải di tản ra các tỉnh lân cận để phát triển. Việc số đông doanh nghiệp hướng về thị trường vùng ven sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, khiến người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn. Tuy nhiên, để chiếm ưu thế tại tỉnh lẻ hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự am hiểu về chính sách, thủ tục hành chính cũng như tâm lý khách hàng tại địa phương mới có thể thành công”.

An An