18/01/2025 | 19:55 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam "khát" Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cập nhật lúc: 18/11/2020, 16:05

CTX là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu & giảm thiểu khí thải nhà kính cùng các vấn đề liên quan đến môi trường sống. Tuy nhiên, số lượng các công trình tại VN chưa tương xứng như kỳ vọng.

Công trình Xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời, được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. (Định nghĩa của Hội đồng công trình xanh Việt Nam – Vietnam Green Building Council – VGBC, 2011).

Xu hướng chung của nhiều quốc gia

Xu hướng công trình xanh được nhen nhóm từ những năm 1990 nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Trải qua hơn hai thập kỷ, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới.

Anh là nước đi đầu phát triển công trình xanh từ những năm 1990, sau đó là Mỹ năm 1991. Năm 1993, nó đã trở thành trào lưu phát triển ở Mỹ, Canada và đến nay đã lan ra hơn 100 nước. Ở châu Á, Singapore là nước dẫn đầu về phát triển công trình xanh. Từ năm 2008, tất cả các công trình xây dựng mới hay cải tạo nâng cấp có diện tích từ 2.000m2 trở lên ở Singapore đều được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí công trình xanh. Mục tiêu đến năm 2030 tối thiểu 80% các công trình xây dựng phải tiết kiệm khoảng 35% năng lượng so với năm 2005.

“Ở hầu hết các nước phát triển, công trình, dự án xanh đều được quy định thành luật và có chính sách ưu đãi. Theo đó, Chính phủ sẽ giảm thuế để thiết kế và xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng” - PGS.TS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết.

Còn tại Việt Nam, công trình xanh đã bắt đầu vào thị trường xây dựng từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh như là: LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hiệp hội công trình xanh Singapore; LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam và hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của Tổ chức Tài chính Quốc tế, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới. Bốn hệ thống tiêu chí đánh giá trên được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới. Ngoài ra, còn một số bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh khác do các tổ chức địa phương phát triển như là: Bộ Đánh giá thử nghiệm (CTX) của Hội môi trường xây dựng, bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng của Viện Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam (2009), Bộ tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư.

Phát triển công trình xanh xu hướng chung của nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, ngoài công trình Thăng Long No 1 được đánh giá thử nghiệm bằng công cụ CTX và một số khác theo tiêu chí kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư, số lượng công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc theo những bộ công cụ được Hội đồng công trình xanh thế giới công nhận mới chỉ dừng lại ở con số 59 sau gần một thập kỷ triển khai.

Con số này thể hiện một nỗ lực to lớn trong việc hiện thực công trình xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất khiêm tốn so với hơn 125 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan và gần 1.200 công trình xanh tại Singapore tính đến năm 2014… (Phát biểu của thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh tại Hội thảo “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp”, 10/2015 – Đà Nẵng).

Vẫn còn nhiều rào cản

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Cafeland, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng các công trình, các đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải là xu hướng chung của các nước trên thế giới và cả Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển công trình xanh chưa trở thành phong trào rộng khắp, chủ yếu ở đối tượng công trình, dự án của khối tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, chưa có các công trình có vốn ngân sách được thiết kế, thi công xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ. Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu về thiết kế và xây dựng công trình xanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều.

Theo vị này, nhận thức của các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, chủ dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu và cả của người mua, thuê nhà,… về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của công trình xanh còn chưa đầy đủ.

“Các rào cản này cần được dỡ bỏ để có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong bối cảnh nguồn cung năng lượng đang hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sống”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho rằng khách hàng hiện nay rất thông minh. Họ chọn dự án có xu hướng xanh, sạch. Với các dự án đã triển khai ở thành phố, một trong các yếu tố để dự án thành công là phải có nhiều cây xanh.

“Tuy nhiên, ở góc độ triển khai dự án, khó khăn của chúng tôi là không chỉ đảm bảo về cây xanh mà còn ở cả vấn đề thiết kế nữa. Việc thiết kế cần đầu tư nhiều, thiết bị trong tòa nhà cũng quan trọng. Đầu tư thiết bị tân tiến như vậy thì chúng tôi sẽ phải đội chi phí lên rất nhiều. Nếu Bộ Xây dựng không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng rất khó khăn để triển khai”, ông Tùng nói.

Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Tập đoàn CHG - Capital House, khó khăn của doanh nghiệp làm công trình xanh hiện nay là không có cơ chế chính sách rõ ràng, không có nguồn vốn và nhận thức của chính khách hàng cũng rất kém.

“Ví dụ đối với công trình khoảng 2.000 tỉ đồng, chúng tôi thường mất thêm 1 - 3% để làm công trình xanh, tính ra có thể bằng một con siêu xe”, ông Bách dẫn chứng.

Cần được luật hóa

Để thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam, ông Thịnh đề xuất hai giải pháp: Thứ nhất là về luật pháp. Quy định công trình xanh trong Luật Xây dựng chưa có, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và Luật Bảo vệ môi trường cũng vậy.

“Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh nói.

Thứ hai là nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan. Ông Thịnh cho biết, trước đây, không phải thị trường định hướng phát triển công trình xanh mà là chủ đầu tư định hướng phân khúc như vậy. công trình xanh từ 2006 - 2009 tại TP.HCM chủ yếu do các công ty nước ngoài phát triển.

“Nay đã có rất nhiều nhà đầu tư định hướng phát triển công trình xanh về nhà ở, và tôi nghĩ rằng vấn đề nhận thức người dân đang dần nâng lên”, ông Thịnh đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất thiết lập và huy động sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong việc hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.

Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bên liên quan về công trình xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò của người mua nhà, người thuê nhà, người sử dụng dịch vụ trong các công trình xây dựng về mục đích, lợi ích để tạo động lực, định hướng thị trường.

Ông Đỗ Thanh Tùng đánh giá, hiện nay công trình xanh hay các tiêu chí Lotus hay Leed là do xã hội tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm.

“Do đó, để thành vấn đề của quốc gia thì cần luật hóa, và các công trình nhà nước cần phải là công trình xanh. Khi xây dựng công trình xanh đương nhiên tư duy suất đầu tư của Nhà nước cũng phải thay đổi”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, khi đã luật hóa thì bất kể tổ chức, doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện theo quy chuẩn đó. “Tôi nghĩ nên có tư duy như vậy để tháo gỡ vướng mắc, cho cư dân có môi trường sống tốt hơn”, ông Tùng đề nghị.