Hiệp hội - doanh nghiệp - báo chí: Chung tay xây dựng và phản biện chính sách
Cập nhật lúc: 17/07/2025, 09:01
Cập nhật lúc: 17/07/2025, 09:01
1. Phát huy vai trò của Hiệp hội, doanh nghiệp và báo chí trong kỷ nguyên mới
Phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể để xây dựng và hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định: Chúng ta đang sống trong một thời khắc đặc biệt của lịch sử. Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, với khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hoá mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã ban hành "bộ tứ trụ cột", gồm các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 - đặt nền móng cho cuộc cải cách thể chế sâu rộng, toàn diện. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Việc góp ý và phản biện chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã song hành cùng nhiều cơ quan báo chí tích cực thực hiện công tác này. Đặc biệt, trong ba năm qua, khi góp ý sửa đổi ba luật quan trọng của thị trường bất động sản, những ý kiến đóng góp của Hiệp hội đã được Chính phủ và Quốc hội ghi nhận, thông qua, đi kèm với các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết.
Trong các Nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, có thể nhận thấy rõ sự đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, mang tính chất của một cuộc cách mạng trong chặng đường phát triển đất nước. Đó là sự chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển.
Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã triển khai hiệu quả đề án truyền thông sau khi ban hành chính sách, đây là một hoạt động thiết thực giúp thông tin đến doanh nghiệp kịp thời. Đồng thời, Hiệp hội cũng đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều tọa đàm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách đã đề ra, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan báo chí và truyền thông, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nền tảng cho việc nhận diện rõ hơn các vấn đề thực tiễn và đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế", TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.
Tại Diễn đàn, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, đã chia sẻ những điểm cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt nhấn mạnh tinh thần và những lưu ý quan trọng cho cả doanh nghiệp và cơ quan báo chí khi tiếp cận các vấn đề liên quan trong giai đoạn hiện nay.
ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, cơ quan báo chí cần bám sát tinh thần của Nghị quyết, đặc biệt tập trung vào những điểm mới, trọng tâm, trọng điểm. Các nhà báo cần phản ánh một cách chính xác, kịp thời cả những kết quả tích cực lẫn khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Nghị quyết. Hơn nữa, khi đưa tin, báo chí cần hướng tới việc đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc.
"Với những tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 68 và 198 đề ra, các cơ quan báo chí có định hướng chuyên sâu cần giữ vai trò quan trọng trong việc phản biện xã hội. Nghị quyết để thành hiện thực, phải có sự vào cuộc của chính sách và tiếng nói phản biện xã hội. Do đó, báo chí cần chủ động đặt ra câu hỏi và giám sát: Sau khi được ban hành vào tháng 5, Nghị quyết 68 đã thực sự đi vào cuộc sống như thế nào? Những chính sách cụ thể nào đã được triển khai và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp?", ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Song song với đó, chuyên gia cho rằng, đối với Hiệp hội, việc tập hợp các ý kiến, phát hiện và phản biện những bất cập trong thể chế từ cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Chỉ có Hiệp hội, với vai trò đại diện cho nhiều doanh nghiệp, mới có thể giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nhận diện chính xác những vướng mắc thực sự, tránh sa đà vào những vấn đề nhỏ lẻ để có điều chỉnh chính sách phù hợp. Do đó, vai trò của Hiệp hội cần được đặc biệt nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp, cần phải hiểu rõ mình sẽ có nguy cơ lớn về đào thải nhưng đồng thời nhìn nhận rõ cơ hội bứt phá vươn lên trong dòng chảy chính sách. Vì vậy, chẳng có cách nào khác ngoài các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hoá sản phẩm.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đánh giá, thực tế, năng lực phản biện chính sách của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Họ thường chỉ lên tiếng khi vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình, chứ không phải lúc nào cũng có đủ kiến thức chuyên sâu để đưa ra các phân tích sâu rộng.
Do đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: "Việc nghiên cứu và phản biện chính sách chính là vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Bên cạnh đó, với tính chính danh đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp, việc vận động chính sách nên do các hiệp hội lên tiếng chứ không nên qua các doanh nghiệp để tránh xung đột lợi ích và đảm bảo tính khách quan".
02. Mô hình tam giác phối hợp: Hợp tác trách nhiệm – Dữ liệu minh bạch – Truyền thông hiệu quả
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã thảo luận về mô hình tam giác phối hợp giữa hiệp hội - doanh nghiệp - cơ quan báo chí, đặc biệt đề cao vai trò của việc đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện chính sách và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest chia sẻ: "Tôi nhận thấy có một trình trạng là không nhiều doanh nghiệp dám phát biểu, lên tiếng về những rào cản vướng mắc pháp lý, chính sách trong quá trình hoạt động kinh doanh. Thậm chí, những doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn cũng không dám lên tiếng, không dám đề cập những vấn đề cốt lõi. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy một hạn chế của một số phóng viên là chưa nắm vững các quy định pháp luật. Điều này dẫn đến việc khi tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, phóng viên khó có thể phân biệt đâu là ý kiến đúng và đâu là thông tin chưa chính xác.
Việc đưa tin không đúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, do tiếng nói của báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận và tạo lập môi trường kinh doanh".
Theo đó, ông Hiệp nhấn mạnh: "Một doanh nghiệp hay kể cả một Hiệp hội nếu có gửi công văn đến Chính phủ thì đó cũng chỉ là một công văn, còn làm sao để công văn đó đến được với cộng đồng, làm cho Quốc hội, Chính phủ thấy được tầm quan trọng của vấn đề thì phải có sự tham gia của cơ quan báo chí. Tôi cho rằng, vai trò của báo chí trong phản biện chính sách là vô cùng quan trọng".
Theo ông Hiệp, để các cơ quan phê duyệt và thực thi chính sách hiểu rõ những bất cập trong văn bản, cần nhờ đến sự lan tỏa thông tin của các cơ quan báo chí. Bởi lẽ, chỉ ghi nhận thông tin từ những người trực tiếp làm việc, trải nghiệm thực tế mới truyền tải được hết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho rằng, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, sự tham gia chủ động từ nhiều phía là vô cùng cần thiết.
Đầu tiên, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền và nên chủ động phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách. Đây là cách trực tiếp nhất để cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng nhận diện những chính sách đang phát huy hiệu quả và những điểm cần điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Truyền thông và báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các bằng chứng khách quan, trung thực, tránh đưa tin sai lệch hay cường điệu. Chẳng hạn như ảnh hưởng thực tế đến doanh nghiệp chỉ ở mức độ nhỏ nhưng lại phản ánh như một khủng hoảng lớn.
Về phía các hiệp hội, tiếng nói của hiệp hội không chỉ tổng hợp thông tin từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp mà còn tạo thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, để được lắng nghe và tiếp thu hiệu quả, các hiệp hội cần lưu ý hướng dẫn doanh nghiệp góp ý đúng lúc, đúng chỗ và đúng trọng tâm.
GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng cho hay: "Với tính chính danh đại diện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội có nhiều cơ hội tiếp cận các hội nghị, hội thảo quan trọng, bao gồm cả những sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng, để đóng góp ý kiến phản biện chính sách. Việc được mời tham dự các sự kiện cho thấy hiệp hội luôn là đối tượng được cơ quan nhà nước lắng nghe, vì vậy tiếng nói của hiệp hội rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng có thể truyền tải thông điệp của mình thông qua các diễn đàn báo chí – truyền thông. Để đạt hiệu quả cao, báo chí cần "tìm đúng điểm rơi", tức là chọn đúng thời điểm và nội dung phù hợp để phản ánh, góp ý chính sách một cách xác đáng và kịp thời".
Đại diện cho tiếng nói của cơ quan báo chí, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho hay: "Trong vai trò phản biện chính sách, báo chí không thể dừng lại ở việc đưa tin, mà cần phát triển theo hướng trở thành báo chí chuyên gia, báo chí dữ liệu, và từ đó tiến tới báo chí giải pháp. Nếu chỉ công bố số liệu mà không đi kèm phân tích và kiến nghị chính sách thì chưa thể hoàn thành vai trò phản biện một cách thực chất. Chúng tôi xác định, phóng viên phải được bồi dưỡng để hiểu rõ vấn đề, nhưng đồng thời phải biết dựa vào đội ngũ chuyên gia và tri thức khoa học. Mỗi khi tiếp cận một vấn đề mới, tòa soạn đều tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề, để đội ngũ phóng viên, biên tập viên được trang bị kiến thức nền và phương pháp tiếp cận bài bản trước khi tác nghiệp.
Muốn báo chí trở thành một tiếng nói có trọng lượng trong xã hội, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và phản biện chính sách, thì không thể tách rời khỏi nền tảng khoa học. Báo chí không dừng lại ở phản ánh hiện tượng, mà còn đề xuất hướng giải quyết dựa trên dữ liệu, bằng chứng và phân tích chuyên sâu".
Phát biểu kết luận, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định, Diễn đàn "Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách" rất có ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Để đạt được những mục tiêu này, TS. Nguyễn Văn Khôi lưu ý 3 nội dung:
Một là, "bộ tứ trụ cột" gồm 4 Nghị quyết đặc biệt quan trọng, các cơ quan truyền thông nên nhấn mạnh truyền tải rằng, những cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật phải bám sát, căn cứ vào 4 Nghị quyết này.
Hai là, trong tổ chức thực hiện, kể cả xây dựng và thực thi pháp luật phải chuyển từ "tư duy quản lý" sang "tư duy kiến tạo phát triển".
Ba là, trong các Hội nghị, Tọa đàm, Diễn đàn… mong rằng các phóng viên, nhà báo mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận, phỏng vấn, chất vấn các cơ quan quản lý nhà nước.
TS. Nguyễn Văn Khôi kỳ vọng: "Các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong việc góp ý, phản biện các chính sách. Với đội ngũ báo chí, tiếp tục đồng hành đưa kiến nghị của Hiệp hội đến gần hơn với các cơ quan quản lý Nhà nước"./.
Nguồn: https://reatimes.vn/mo-hinh-tam-giac-phoi-hop-hiep-hoi-doanh-nghiep-bao-chi-chung-tay-xay-dung-va-phan-bien-chinh-sach-202250716183457643.htm
09:09, 07/07/2025
09:14, 05/07/2025
11:26, 04/07/2025
11:04, 03/07/2025