20/01/2025 | 18:15 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà

Cập nhật lúc: 23/12/2020, 09:05

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà, mặc dù đây là một trong hai tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá công trình xanh một cách định lượng.

Đánh giá công trình xanh tại Việt Nam theo cảm tính

Sáng ngày 19/12, tại trường Đại học Xây dựng (NUCE), Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học "Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng ở Việt Nam". Hội thảo trao đổi về Dự thảo Tiêu chuẩn “TCVN xxx: 2020/BXD - Chất lượng không khí trong nhà ở và nhà ở công cộng – Tiêu chuẩn thiết kế”. Đây là đề tài do GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và TS.KTS Phạm Thị Hải Hà phối hợp thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định gồm GS.TS Nguyễn Hữu Dũng (bên trái) và GS.TS Trần Ngọc Chấn (bên phải).

Phát biểu tại Hội thảo, ThS Nguyễn Công Thịnh, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng đánh giá đây là hội thảo khoa học có ý nghĩa và mang tính thời sự.

Theo ông Thịnh, trong quy định của pháp luật, ngành xây dựng quản lý yêu cầu các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà và các công trình, thực tế đã có một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đề cập về chất lượng không khí. Tuy nhiên, để có một quy chuẩn chất lượng không khí trong nhà đầy đủ như quy định của các nước thì hiện nay Việt Nam đang rất thiếu.

Ông Thịnh cho biết, Bộ Xây dựng đã giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng không khí trong nhà và các công trình công cộng. Đây là 2 đối tượng thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Theo đề án 198 về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực xây dựng thì số lượng quy chuẩn đang là 18-19 quy chuẩn và sẽ co lại còn 11 quy chuẩn. Trong đó có mã quy chuẩn 04 dự kiến sẽ bao gồm toàn bộ các yêu cầu kỹ thuật về an toàn, chất lượng tiết kiệm năng lượng và một số nội dung khác, dự kiến ban hành vào cuối năm 2022.

Cách đây ít ngày, Bộ Xây dựng đã tổ chức sự kiện Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020. Theo đó, số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng không khí trong nhà, thiếu thiết bị thử nghiệm, đánh giá, tính toán trong khi các công trình tồn tại vấn đề ô nhiễm nội thất, chất lượng không khí thấp. Do đó, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí trong nhà ở và công trình xây dựng đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh hướng đến đảm bảo cả về vấn đề tiện nghi và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Chia sẻ về vấn đề phát triển công trình xanh, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nguyên Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho biết, tiêu chí về sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng và tiêu chí chất lượng không khí trong nhà là 2 tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá công trình xanh một cách định lượng.

Qua đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phản ánh tình trạng đánh giá công trình xanh một cách cảm tính tại Việt Nam, thậm chí có sự “bàn bạc”, “thống nhất”, “dàn xếp”, chứ không được đánh giá định lượng như nhiều quốc gia khác.

Đồng thời, GS Đăng bày tỏ lo ngại về vấn đề thay đổi quy hoạch tại Việt Nam thông qua đề tài phát triển công trình xanh Việt Nam vừa được Bộ Xây dựng nghiệm thu.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nguyên Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng trình bày Dự thảo Tiêu chuẩn.

“Tôi thấy đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, nội dung tóm tắt của kế hoạch này dùng chiến lược của tôi viết từ năm 2011-2012, như vậy thì hỏng rồi, Bộ Xây dựng không thể thay đổi được vấn đề quy hoạch của Việt Nam, tôi rất buồn, Bộ Xây dựng cần làm lại kế hoạch này”, GS Đăng trao đổi tại Hội thảo.

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, kế hoạch khác biệt với chiến lược ở thời hạn, và phải có lộ trình và kế hoạch tiến hành cụ thể. Hiện nay, Việt Nam phát triển công trình xanh chậm hơn thế giời từ 20-30 năm, đơn cử như Singapo đến này đã có hơn 4.000 công trình xanh trong khi Việt Nam mới có trên 150 công trình.

Phấn đấu sớm hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng không khí

Trình bày Dự thảo Tiêu chuẩn, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà, chỉ có 4 tiêu chuẩn có liên quan đôi chút gồm: TCVN 5687:2010 Thông gió – điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế; QCXDVN 05: 2008 – Nhà ở và công trình công cộng. An toàn sinh mạng và sức khỏe; TCVN 4601:2012 Công sở, cơ quan hành chính nhà nước – Yêu cầu thiết kế; Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT về vệ sinh môi trường lao động, có 4 tiêu chuẩn về bụi.

Trong khi đó, trên thế giới đã tồn tại nhiều tiêu chuẩn về chất lượng trong nhà. Một số tiêu chuẩn được khuyến khích áp dụng như ISO, WHO ở EU, Canada, Liên bang Nga. Ngoài ra, có nhiều tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng. Đơn cử như tại Austalia, Trung Quốc, Singapore, Hongkong… Ở Đài Loan ban hành Luật về quản lý chất lượng không khí trong nhà (Act), ở Mỹ có bang ban hành Tiêu chuẩn (Standard), có bang ban hành Hướng dẫn (Guideline) về chất lượng không khí trong nhà.

ThS Đặng Viết Khoa góp ý phản biện Dự thảo Tiêu chuẩn.

Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đang được áp dụng trên thế giới, đồng thời tự thực tiễn công trình, chất lượng không khí tại Việt Nam, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và TS.KTS Phạm Thị Hải Hà đã xây dựng nên Dự thảo tiêu chuẩn mới về chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng. Trong đó, đưa ra 17 thông số đánh giá chất lượng không khí…

Mặc dù được đánh giá cao về giá trị nghiên cứu, hội nhập cùng với xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, bản nghiên cứu đầu tiên còn tồn tại một số vấn đề, các nhà khoa học đầu ngành như GS.TS Trần Ngọc Chấn, GS.TS Lê Vân Trình, TSKH.VSTT Phạm Quốc Quân, ThS Đặng Viết Khoa… đã có nhiều đóng góp sửa đổi, bổ sung, lý giải thêm để bộ tiêu chuẩn được hoàn thiện và có thể ban hành, đi vào sử dụng trong tương lai gần.