Xây dựng công trình xanh không làm tăng chi phí đầu tư
Cập nhật lúc: 08/12/2020, 13:30
Cập nhật lúc: 08/12/2020, 13:30
Tại Việt Nam, chạy theo trào lưu, việc xây dựng dự án, công trình xanh từ bình dân đến cao cấp, từ biệt thự đến căn hộ chung cư đang nở rộ. Tuy nhiên, thế nào là công trình xanh thì không phải ai cũng hiểu. Thậm chí có những dự án chỉ bố trí một vài không gian trồng cây xanh rồi tự nhận mình là “công trình xanh” để bán hàng.
Để độc giả nắm được các tiêu chí đánh giá công trình xanh, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.
- Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các công trình xanh trên thị trường bất động sản tại Việt Nam. Tại sao lại có sự dịch chuyển này?
Xu hướng chung của sự phát triển là theo hướng tiết kiệm sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều này không chỉ tốt cho môi trường, cho sự phát triển xã hội nói chung mà còn tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Công trình xanh nằm trong xu hướng chung này và đó là hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp hiện nay.
- Để đạt được chứng nhận công trình xanh, dự án cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Hiện các dự án tại Việt Nam đang áp dụng 3 hệ thống tiêu chí công trình xanh bao gồm LEED (của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), LOTUS (của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam) và Green Mark (của Chính phủ Singapore).
Mỗi hệ thống tiêu chí đều bao gồm nhiều tiêu chí, đa phần chia thành các nhóm tiêu chí sau: Các tiêu chí về sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo; Các tiêu chí về sử dụng nước hiệu quả; Các tiêu chí về vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu bền vững, giảm phát thải; Các tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà; Các tiêu chí về địa điểm và vị trí dự án, bảo vệ sinh thái, quản lý rác thải… Một số tiêu chí về quản lý dự án, tiêu chí khuyến khích giải pháp sáng tạo, giải pháp đạt hiệu năng cao...
Việc chứng nhận theo LEED, LOTUS hay Green Mark lần lượt do các đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Bộ Xây dựng Singapore).
-Vậy các dự án công trình xanh có tác động như thế nào đến môi trường sống, sức khỏe của cư dân và mỹ quan đô thị?
Trong công trình xanh có nhiều tiêu chí khuyến khích bảo vệ không gian đô thị (như trong LOTUS có các tiêu chí về giảm hiệu ứng đảo nhiệt, chống nước mưa chảy tràn, phát triển không gian xanh, quản lý rác thải xây dựng...). Nếu tiêu chí này được áp dụng rộng rãi sẽ giảm tải lên hệ thống hạ tầng đô thị, góp phần cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị, kể cả những người không sống trong công trình xanh.
Đối với chất lượng sống của cư dân trong tòa nhà, mỗi hệ thống LEED, LOTUS hay Green Mark đều có rất nhiều tiêu chí về tiện nghi nhiệt, khả năng thông gió, chiếu sáng tự nhiên, chất lượng tầm nhìn, tiện nghi âm học, quản lý chất hóa học dễ bay hơi trong vật liệu… nhằm cải thiện sức khỏe của người sử dụng công trình.
- Đánh giá về sức cạnh tranh của các công trình xanh so với các dự nhà ở đơn thuần?
Phần nhiều công trình xanh hiện nay là công trình được chủ đầu tư xây dựng và chính họ sử dụng – vận hành như nhà máy, trường học…
Hiện nay, do số dự án công trình xanh, bất động sản xanh chưa nhiều, chưa có báo cáo nghiên cứu về thị trường Việt Nam đánh giá tác động của công trình xanh lên sức cạnh tranh hay tiềm năng kinh doanh của dự án. Tuy nhiên, một số báo cáo nghiên cứu thực hiện tại các thị trường phát triển Mỹ, Anh, Australia… cho thấy, các công trình chứng nhận công trình xanh đa phần có hiệu quả đầu tư cao hơn so với công trình thông thường.
- Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng dự án công trình xanh sẽ tốn kém chi phí hơn nhiều so với dự án nhà ở đơn thuần?
Tôi cho rằng, nếu chủ dự án đặt mục tiêu về công trình xanh từ trước khi bắt đầu giai đoạn thiết kế và tập hợp được một đội ngũ thực hiện dự án có nhiều kinh nghiệm về công trình xanh, chi phí làm công trình xanh sẽ được kiểm soát hiệu quả, thậm chí không làm tăng thêm tổng mức đầu tư.
Một ví dụ cụ thể là tòa nhà văn phòng COINCO Tower (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) tiết kiệm 48% năng lượng so với phương án cơ sở (khoảng 3,2 tỉ đồng/năm) nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư.
- Thời gian gần đây nổi lên tình trạng nhiều dự án tự nhận là công trình xanh nhưng chỉ bố trí vài không gian trồng cây xanh. Vậy, người mua nhà nhận diện các công trình này như thế nào?
Các dự án đạt chứng nhận thì thông thường khi quảng cáo họ sẽ thông tin rõ việc dự án đạt theo hệ thống chứng nhận công trình xanh nào, có thể là LEED, LOTUS hay Green Mark. Các đơn vị cấp chứng nhận theo dõi việc này. Ví dụ nếu có dự án quảng cáo là đạt chứng nhận LOTUS nhưng thực tế không được chứng nhận thì sẽ bị nhắc nhở và yêu cầu bỏ thông tin sai sự thật.
Các dự án khác trên thị trường sẽ thường quảng cáo chung chung hoặc chỉ kèm cụm từ “công trình xanh” vào trong tài liệu quảng cáo mà không nói là được chứng nhận và chứng nhận bởi tổ chức nào. Điều này thực ra không phạm luật, nhưng nếu muốn kiểm soát thì cần có sự phối hợp với Bộ Xây dựng để ban hành văn bản pháp luật về công trình xanh đồng thời tuyên truyền nâng cao thêm nhận thức của thị trường về hàm ý của công trình xanh.
09:20, 29/11/2020
16:05, 27/11/2020
16:05, 18/11/2020