23/11/2024 | 14:59 GMT+7, Hà Nội

Tiêu chuẩn nào để đánh giá một công trình xanh?

Cập nhật lúc: 29/11/2020, 09:20

Trào lưu xây dựng công trình xanh đang khá rầm rộ trên thị trường. Từ dự án bình dân đến dự án cao cấp cứ gắn với mác “xanh” điều sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Vậy dựa tiêu chí nào để đánh giá một CTX?

Nhập nhằng tiêu chí công trình xanh

Khái niệm công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (United States Green Building Council- viết tắt là USGBC) đưa ra, nhằm nói đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Theo Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa, công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên cở sở đó, WGBC đã đưa ra một loạt tiêu chí tạo nên ngôi nhà “xanh” như: Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác; sử dụng năng lượng thay thế (VD: Năng lượng mặt trời); có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng; đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình; sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững; tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành; tính đến chất lượng cuộc sống trong thiết kế, thi công và vận hành; thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường.

Công trình xanh được coi là xu hướng của tương lai. (Ảnh minh họa)

Còn tại Việt Nam hiện nay, có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus... Mỗi tiêu chuẩn đều có các điểm mạnh yếu khách nhau nhưng hội tụ lại thì bất động sản phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vât liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường… Điều này đồng nghĩa với việc nếu xây một công trình xanh tức là công trình này phải xanh từ ngay trong "nội tại" của nó.

Theo thống kê của Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), đến quý III/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình. Con số này cho thấy thị trường công trình xanh đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải, chưa xứng với tiềm năng của ngành xây dựng cũng như còn thua xa các nước trong khu vực.

Làm thế nào để thị trường công trình xanh tại Việt Nam cất cánh?

Theo kết quả của Nhiệm vụ Khoa học Công nghệ trọng điểm của Bộ Xây dựng “Nghiên cứu Hướng dẫn Phát triển công trình xanh ở Việt Nam” do Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện 2018- 2019, mặc dù thị trường công trình xanh Việt Nam đã hình thành, các chủ thể chính của thị trường như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh đã xuất hiện nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.

Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho rằng, hiện công trình xanh, hay các tiêu chí công trình xanh như: Lotus, Leed là do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó cần phải xây dựng quy chuẩn chung, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo.

Về giải pháp tạo hành lang pháp lý phát triển công trình xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: "Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và Vụ đã đưa vào dự thảo luật để trình cấp có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng hành lang pháp lý đối với công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện. Qua đó có chính sách ưu đãi để thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản tham gia, phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường".

Xây dựng trong thế giới hiện đại cũng cần thân thiện với môi trường thông qua các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng của bản thân các công trình. Công trình xanh, hoặc kiến trúc xanh tựu trung là một trong các giải pháp nhằm làm giảm thiểu phát thải nhà kính vốn là nhân tố khiến trái đất ngày một nóng dần lên, kéo theo biết bao hệ lụy từ sự biến đổi môi trường sống.

Tác dụng của những công trình kiến trúc xanh thế nào nhằm tiết kiệm nhiên liệu - năng lượng sử dụng; môi trường nơi cư trú và làm việc sẽ giảm thiểu bụi cũng như các hóa chất độc hại, đồng nghĩa giúp giảm chi phí y tế… Thế nhưng thật đáng tiếc khi tại Việt Nam, mô hình công trình kiến trúc xanh vẫn chưa gặp… “thời”! Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến cho công trình xanh vẫn còn là “thiểu số” tại Việt Nam, đó là do sự thiếu vắng, ít ỏi thậm chí vắng mặt hoàn toàn các tài liệu về công trình xanh. Số lượng sách báo cung cấp kiến thức chuyên môn bị hạn chế như thế đã khiến cho kiến trúc xanh chưa được phổ cập trong nước.