27/04/2024 | 15:55 GMT+7, Hà Nội

Vay tiêu dùng: Thiếu ý thức trả nợ dễ dẫn đến xung đột

Cập nhật lúc: 25/02/2020, 14:55

Trong khi các công ty tài chính đang nỗ lực đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới, tiện lợi, vẫn còn không ít khách hàng thiếu ý thức, tạo ra những xung đột và gây ra góc nhìn sai lệch về cho vay tiêu dùng.

Trong khi các công ty tài chính đang nỗ lực đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới, tiện lợi, như số hóa để định vị khách hàng, tinh giản các quy trình, tối ưu hóa hoạt động và giảm tới mức thấp nhất chi phí vận hành, thì vẫn còn không ít khách hàng thiếu ý thức trả nợ, tạo ra những xung đột và gây nên góc nhìn sai lệch về hoạt động cho vay tiêu dùng.

Minh bạch hóa, hiện đại hóa quy trình cho vay

PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định, kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy, với sự hiện diện của công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống, có sự quản lý của Nhà nước.

"Nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số những khách hàng vay của công ty tài chính do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội", chuyên gia này nhận định.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nghiên cứu, bổ sung các văn bản pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo môi trường phát triển bền vững cho các công ty tài chính như Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư này, các công ty tài chính đã chủ động từng bước đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tích cực, thuận lợi, an toàn, minh bạch hơn, nhất là trong xu hướng số hóa, chạy đua đầu tư công nghệ nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng tiềm năng, đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền kinh tế số.

Theo khảo sát ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế, xu hướng kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Chính sự đơn giản, nhanh chóng trong mua sắm trực tuyến đang là một trong những nguyên nhân thu hút nhiều hơn người mua hàng, nhất là nhóm khách hàng trẻ, bận rộng công việc, ít có thời gian trực tiếp đến cửa hàng. Đón đầu được nhu cầu tiêu dùng tăng cao, xu hướng chung các công ty tài chính lựa chọn là hiện đại hóa hệ thống bằng cách ứng dụng Big Data, sử dụng các công nghệ Fintech và vận dụng trí tuệ nhân tuệ (AI) để định vị khách hàng, tinh giản các quy trình, tối ưu hóa hoạt động và giảm tới mức thấp nhất chi phí vận hành.

Việc các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới là cơ sở để tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng. Ðây cũng chính là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ, nhằm rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn; giảm tới mức thấp nhất hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay; từ đó cũng sẽ giúp công ty tài chính gia tăng sức cạnh tranh.

Dễ dàng được hưởng lợi, trách nhiệm thì né tránh

Theo quan sát của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, các công ty tài chính hiện nay đang có những nỗ lực để tạo sự thuận lợi hơn cho các khách hàng. Cụ thể, các dịch vụ chăm sóc khách hàng được cải thiện theo xu hướng số hóa, thủ tục cũng đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, người sử dụng dịch vụ phải có xác nhận của cơ quan về các khoản thu nhập hằng tháng, thì nay, các công ty tài chính chỉ cần cung cấp bằng lái xe, chứng minh thư, hóa đơn điện nước… Các khoản vay cũng được nới rộng hơn trước. Những khách hàng có thu nhập ổn định trên 20 triệu đồng / tháng có thể được vay hàng trăm triệu đồng.

Chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề cần quan tâm là đưa ra giải pháp để nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Bởi đây là vấn đề không chỉ khó khăn ở Việt Nam mà ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng vậy.

"Để nâng cao nhận thức, cơ quan chức năng phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Bởi vì, thay đổi thói quen của người dân không chỉ trong một sớm một chiều mà làm được, hiện nay còn không ít người dân có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Đâu đó vẫn còn người sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng nhìn sự việc một chiều, chỉ muốn được hưởng lợi, còn trách nhiệm thì né tránh", TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, khi được tạo điều kiện để dễ dàng trải nghiệm dịch vụ cho vay, người đi vay cần hiểu rõ đây là quan hệ vay - trả. Vay tiền để tiêu dùng trước, trả sau thì phải chú ý đến số tiền vay, bởi nếu tiêu dùng trước quá lớn sẽ hạn chế chi tiêu trong tương lai, thận chí không trả được nợ.

Chuyên gia này lưu ý thêm rằng: "Không chỉ có chậm trả gốc và lãi mới bị phạt, mà trả nợ trước hạn cũng bị "phạt" dưới hình thức phí trả nợ trước hạn. Vì thế, thời gian vay bao lâu cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Cuối cùng, người vay cần đọc kỹ những câu chữ trong điều khoản hợp đồng vay vốn, lãi suất vay và cách tính lãi".