Đi vay có trách nhiệm - Chìa khóa "mở hầu bao" cho vay tiêu dùng
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 13:50
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 13:50
Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, khoản thanh toán chia nhỏ phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng khi đi vay tín chấp, mua hàng hóa dịch vụ trả góp, mở thẻ tín dụng, … là những lợi thế của vay tiêu dùng tại các tổ chức tài chính hợp pháp. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng được các công ty tài chính “mở hầu bao” cho vay.
Giống như tâm trạng của rất nhiều người, anh L.V.Hoan (Hà Đông, Hà Nội) rất phấn khởi khi các cửa hàng phân phối xe lớn trên địa bàn Hà Nội tung ra nhiều phần quà hấp dẫn, các chương trình khuyến mại đặc biệt dành do khách hàng mua sản phẩm của mình. Đi kèm với đó, là các gói chương trình hấp dẫn của các ngân hàng, công ty tài chính “hút khách” vay vốn tiêu dùng cũng được rầm rộ triển khai.
Đơn cử như chương trình lướt xe đẳng cấp, lãi suất cực thấp 1,35% của Fe Credit dành cho khách hàng nhân dịp đầu năm, mua xe honda lãi suất sốc từ 0,99%...; Hay như Home Credit, triển khai chương trình cho vay mua xe lên tới 80 triệu đồng…
Sau khi tham khảo trên các website bán hàng của các hãng xe lớn, anh Hoan đã chọn được một chiếc ưng ý và một gói vay trả góp phù hợp với tình hình tài chính hiện tại. Anh quyết định tới tận nơi để mua và làm thủ tục vay vốn. Thế nhưng, sau khi xem xét thì khoản vay của anh đã không được phê duyệt. Khách hàng vay từng có lịch sử tín dụng xấu chính là lý do anh Hoan bị “loại” khỏi khoản vay này.
“Thật sự khi được thông báo mình không đủ điều kiện để tham gia chương trình mua xe trả góp từ nhân viên tư vấn, tôi hết sức ngạc nhiên vì hiện tại thu nhập hàng tháng của tôi rất tốt. Nhưng khi biết được lý do thì tôi không còn “sốc” nữa”, vị khách này chia sẻ.
Anh Hoan ngẫm lại, cuối năm ngoái, anh cũng đã chủ quan khi đứng tên vay hộ cho người thân trong gia đình một khoản tiêu dùng nhỏ tại một công ty tài chính. Tuy nhiên, vì người vay (người thân của anh Hoan – PV) không tính toán đúng khả năng trả nợ nên khoản nợ này thường xuyên trễ hạn thanh toán. “Tôi không thể ngờ đến hôm nay khi cần vay tiền thì lại không thể vay. Đây chỉ là vay mua xe chứ giả sử gia đình có người thân ốm đau cần tiền gấp thì đúng là không biết tôi phải xoay sở như thế nào đây!”, anh Hoan buồn bã nói.
Cũng là một điển hình của vay tiêu dùng trả nợ không đúng hạn, song có phần kém may mắn hơn là trường hợp của bà Ngô Thị S (Gia Lai). Theo chia sẻ của bà S, chỉ vì một khoản vay tiêu dùng trễ hạn trả nợ do bà chi tiêu “quá tay” ngoài mục đích vay mượn ban đầu mà không tính đến phương án trả nợ đúng hạn cách đây 1năm.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như sự việc chỉ dừng lại ở đó. Mới đây, do công việc kinh doanh trong gia đình phát sinh phải cần tiền gấp, nhưng vì đã bị ghi nhận nợ xấu trên tất cả các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính cũng như tại CIC – Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam từ khoản nợ trước, nên bà S buộc phải tìm đến một tổ chức cho vay không chính thống trên địa bàn.
“Khoản tiền vay cũng không nhỏ, trong khi vì cần tiền gấp nên lãi suất vay cũng bị “ép” ở mức cao cho nên nguồn thu từ gia đình không đủ bù đắp cho khoản nợ này. Không trả nợ đúng hạn, các đối tượng này thường xuyên “khủng bố” điện thoại đòi nợ và đe dọa khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Tôi đã phải vay gói nợ sau để trả gói nợ trước, đến nay, số tiền nợ cứ thế tăng lên gấp cả nhiều lần so với khoản nợ ban đầu. Trả mãi vẫn chưa hết nợ.”, bà S ngán ngẩm cho hay.
Theo một khảo sát của Công ty Chứng khoán, những năm gần đây người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, như sản phẩm công nghệ mới hoặc các kỳ nghỉ/du lịch, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn theo nhìn nhận của giới phân tích, thời điểm hiện tại, nhu cầu vay tiêu dùng tăng thêm từ 50% đến 70% so với thời điểm trong năm.
Nắm bắt xu thế này, các ngân hàng và công ty cho vay tài chính cũng tung ra nhiều khuyến mại hấp dẫn để thúc đẩy hoạt động vay vốn tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, bất cứ trường hợp nào cũng có thể tiếp cận được các gói vay. “Người vay không vướng lịch sử xấu còn chưa chắc đã được vay, huống hồ là cá nhân, tổ chức đã rơi vào “danh sách đen” về tín dụng”, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.
Vị luật sư này giải thích thêm, các công ty tài chính cũng là tổ chức kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động của họ cũng đặc biệt hơn đó là huy động nguồn vốn từ các tổ chức để cho vay. Vì vậy, vừa phải có lợi nhuận, các công ty này cũng phải đảm bảo an toàn đồng vốn, đảm bảo an toàn về thanh khoản.
Ngoài ra, công ty tài chính hợp pháp cũng là một tổ chức đặc biệt, nằm trong sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhưng lại không có bất cứ chính sách “đặc cách” nào nếu như nợ xấu phát sinh ngoài ý muốn.
Đơn cử như trường hợp của bà S nêu trên, thời điểm cho vay, bà S hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của khoản vay và có khả năng trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, có thể vì yếu tố khách quan hoặc thiếu trách nhiệm khi sử dụng vốn vay (sử dụng vốn sai mục đích, chi tiêu quá đà…) dẫn tới việc không trả nợ đúng hạn và phát sinh nợ xấu (nếu có) thì không ai khác mà chính các công ty tài chính phải gánh rủi ro.
Về phía người dân, khi cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính thức (ngân hàng, công ty tài chính hợp pháp như FE Credit, Home Credit, HD saison…) khép lại thì đương nhiên sẽ thiệt thòi. Hai trường hợp nêu trên là những ví dụ điển hình.
Để cung – cầu vốn gặp nhau thì hơn bao giờ hết chính bản thân người vay cần phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với khoản vay, với người cho vay. Có như thế, các công ty tài chính hợp pháp mới sẵn sàng “mở hầu bao” cho vay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Hoài Linh, chuyên gia ngân hàng – tài chính thừa nhận, trong bất kỳ một quan hệ vay mượn nào thì người đi vay phải có trách nhiệm đối với khoản vay của mình. Trách nhiệm của người vay được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn vay để làm gì, sử dụng khoản vay có đúng mục đích hay không, vay cho ai hay vay cho chính mình, có khả năng trả nợ đúng hạn hay không?...
Vị chuyên gia này cho rằng, người đi vay và sử dụng vốn vay phải là “người tiêu dùng thông minh” dựa trên khả năng trả nợ của mình. Phương án trả nợ đến đâu thì vay tới đó, tránh tình trạng vay tiêu dùng “quá tay” hoặc vay vì mục đích này nhưng lại sử dụng cho mục đích khác. Đến khi không có khả năng trả nợ đúng hạn thì người vay có thể sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn vay chỗ nọ trả chỗ kia…Vừa ảnh hưởng tới tài chính, vừa làm cho cuộc sống trở nên mệt mỏi, khó khăn hơn.
Cũng phải nói thêm rằng, vay tiêu dùng là khoản cho vay tín chấp dựa trên niềm tin, sự tín nhiệm giữa tổ chức cho vay và người đi vay. “Nếu như vì một lý do nào đó không trả được nợ, người vay cần trực tiếp gặp gỡ và trình bày với các công ty cho vay tài chính để tìm được phương án trả nợ hợp lý thay vì có những hành động đối kháng hay bỏ trốn.
Về mặt pháp lý, nếu dùng vốn vay sai mục đích và dẫn tới việc không trả được nợ, hay trốn trách trách nhiệm trả nợ thì người vay hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa. Đến lúc đó, hậu quả để lại có thể lớn hơn rất nhiều”, bà Linh khuyến nghị thêm.
11:00, 27/12/2019
15:42, 24/10/2019
00:02, 27/08/2019
20:33, 07/07/2019