19/01/2025 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

TS. Cấn Văn Lực: 4 gợi ý cho doanh nghiệp vượt dịch COVID-19 thành công

Cập nhật lúc: 29/05/2021, 06:41

Theo TS. Cấn Văn Lực, cùng với khâu phân phối sản phẩm thì việc nắn dòng tiền vào lĩnh vực chính và kích cầu tiêu dùng nội địa cũng phải ưu tiên hàng đầu. Bản thân doanh nghiệp cũng phải “cố thủ” với 4 trụ cột.

Nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao

PV: Thưa ông, sự trùng hợp có thể khó ngẫu nhiên là trong những ngày gần đây, trong khi số ca nhiễm COVID-19 liên tục gia tăng thì cũng là lúc thị trường chứng khoán liên tục bứt tốc, tính đến ngày 25/5, VN-Index đã chính thức vượt 1.300 điểm, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng này?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, không nên chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài mà cần nhận diện nguyên nhân thực chất bên trong của “sự hưng phấn” này.

Tuy nhiên, có 4 nguyên nhân có thể "giải mã" cho chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng tăng mạnh trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay.

TS Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Đầu tiên phải kể đến là nhờ dòng vốn rẻ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, từ lãi suất cho vay ở mức thấp.

Cùng với đó, vai trò hàn thử biểu nền kinh tế đang bị lung lay khi mà mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán với nền kinh tế thực trở nên lỏng lẻo (kinh tế toàn cầu vừa thoát khỏi suy thoái, vẫn còn nhiều khó khăn, song nhiều chỉ số chứng khoán năm 2020 và 5 tháng đầu năm vẫn tăng khá mạnh). 

Bên cạnh đó, hiện tượng phân tán giá chứng khoán rất rõ nét (một số nhóm trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, sắt thép… tăng mạnh, trong khi giá chứng khoán nhiều lĩnh vực khác như vận tải, du lịch, giáo dục… vẫn giảm mạnh). 

Ngoài ra, tâm lý bầy đàn và đòn bẩy tài chính luôn là mối lo thường trực, nhất là đối với thị trường chứng khoán Việt Nam thị trường được đánh giá mức độ “ưa mạo hiểm” khá cao. 

Theo Uỷ ban Chứng khoán, tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán là gần 81.000 tỷ đồng, tăng 26.000 tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019. Riêng quý 1/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ hơn 101.000 tỷ đồng, tăng gần 54. 000 tỷ đồng, tương đương với tăng 53% so cùng kỳ năm 2020. 

Cần lưu ý thêm rằng, trước những yếu tố thiếu tính bền vững này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những động thái cảnh báo và kiểm soát dòng tiền vào thị trường chứng khoán mạnh hơn trong thời gian gần đây.Trong năm 2021, theo đánh giá ban đầu, sẽ có giai đoạn chỉ số VN-Index đạt và vượt ngưỡng 1.350 điểm; đây cũng là nhận định của một số tổ chức tài chính uy tín thế giới như Citigroup, Goldman Sachs, Nomura.

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ nguy cơ sụt giảm, đảo chiều trước khi thực sự hồi phục bền vững. Để đạt được mức tăng trưởng dài hạn, bền vững, bên cạnh các yếu tố về kiểm soát tốt dịch bệnh, triển vọng kinh tế vĩ mô và khả năng “thu hút, giữ chân dòng vốn ngoại”, có 3 nhóm giải pháp quan trọng cần tiếp tục triển khai.

Một là, chủ động định hướng, kiểm soát sự vận động đúng hướng của dòng tiền rẻ trong nền kinh tế (ngăn chặn xử phạt các hành vi đầu cơ, thao túng giá, tạo cung - cầu ảo trên thị trường; nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao, góp phần tăng trưởng kinh tế thực hơn là các lĩnh vực đầu tư rủi ro.

Hai là, tăng năng lực chống chịu của thị trường chứng khoán với các cú sốc bên ngoài (hoàn thiện thể chế, phát triển chứng khoán phái sinh, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực dự báo và quản lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền trên thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng…).

Ba là, nâng cao chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, cùng với việc đa dạng hóa hàng hóa và tăng cường tính chuyên nghiệp, minh bạch thị trường.

Tiếp tục chính sách kích cầu sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nội địa

PV: Ngoài diễn biến của thị trường chứng khoán thì chỉ số giá tiêu dùng cũng là một mảnh ghép trong bức tranh kinh tế chung. Nhưng kể từ khi kể từ khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 thì miếng bánh thị trường tiêu dùng bị chia nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch ngày càng lan rộng vào từng hang cùng ngõ hẻm, liệu Chính phủ có nên định hướng một số chính sách để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt hơn để dành lại thị trường tiêu dùng?

TS. Cấn Văn Lực: Sau hơn 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được một số kết quả khả quan như tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, nhiều nơi đạt trên 90%; tỷ lệ này ở các chợ, của hàng tiện lợi cũng đạt trên 60%.

Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương, có tới 67% người tiêu dùng trả lời sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam (2019) trong khi năm 2010 và 2014 lần lượt là 59% và 63%). Đồng thời, 36% người tiêu dùng trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua, thay vào đó là mua hàng Việt Nam. 

Ngoài ra khoảng 1.000 Đề án xúc tiến thương mại nội địa đã được Bộ Công Thương phê duyệt triển khai; thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ hàng hóa nội địa…

Doanh nghiệp cần luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát triển 4 thứ đó là người lao động, nguồn lực tài chính, nền khách hàng và đối tác. 
Doanh nghiệp cần luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát triển 4 thứ đó là người lao động, nguồn lực tài chính, nền khách hàng và đối tác. 

Tuy nhiên, vẫn còn đó 4 khó khăn, thách thức chính như các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo ra cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh với hàng nhập khẩu; trong bối cảnh tâm lý sính hàng ngoại vẫn tồn tại.

Cùng với đó, năng lực, công nghệ sản xuất, sản phẩm và chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế so với doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, vấn nạn hàng lậu, hàng kém chất lượng giá rẻ chưa được kiểm soát triệt gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (theo Ban Chỉ đạo 389, hàng năm, có hàng trăm nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị phát hiện). Ngoài ra, phân phối hàng hóa và vấn đề kết nối chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người mua cuối cùng còn hạn chế…

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của cuộc vận động, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và số ca nhiễm không ngừng gia tăng, Chính phủ và bộ ngành liên quan cần xem xét thực hiện 5 giải pháp trọng yếu.

Một là, triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước (đặc biệt là về mặt trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, khuyến khích tăng cường hoạt động R&D) để từ đó tạo ra lực lượng doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt thị trường trong nước. 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động, chú trọng các giải pháp khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Ba là, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Bốn là, xem xét triển khai gói hỗ trợ theo hướng kích cầu sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nội địa. Chẳng hạn, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.Năm là, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường phân phối sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và tham gia chuỗi giá trị.

4 gợi ý cho doanh nghiệp vượt dịch COVID-19 thành công

PV: Còn về phía doanh nghiệp sản xuất, ông có những khuyến nghị gì để giúp họ vượt qua đại dịch COVID-19 khi trong những ngày gần đây chúng ta liên tiếp chứng kiến số ca nhiễm ngay trong chính từng công xưởng?

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam ta cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng dịch còn diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn. Vì vậy, chiến lược kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp là phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đón đầu sự phát triển của kinh tế số và xu thế hội nhập, cạnh tranh. 

Có 4 gợi ý cho doanh nghiệp tiếp cận mô hình 5R, đó là Respond (chủ động ứng phó hiệu quả với đại dịch), Recover (phục hồi nhanh càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình, tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững hơn), Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình, chiến lược và hoạt động kinh doanh) và Resilience (tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài). 

Cuối cùng, trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp cần luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát triển 4 thứ đó là người lao động, nguồn lực tài chính, nền khách hàng và đối tác. 

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn: https://congluan.vn/ts-can-van-luc-4-goi-y-cho-doanh-nghiepvuot-dich-covid-19-thanh-cong-post135736.html