19/01/2025 | 12:10 GMT+7, Hà Nội

Xóa nợ cho người nghèo mất khả năng trả nợ và doanh nghiệp bị phá sản

Cập nhật lúc: 22/05/2021, 16:15

Theo nội dung Quyết định 08/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều trường hợp đủ điều kiện sẽ được xem xét xóa nợ.

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện xóa nợ là tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn không có khả năng trả nợ.

Một số nhóm đối tương người dần nghèo sẽ được xem xét xóa nợ.
Một số nhóm đối tương người dần nghèo sẽ được xem xét xóa nợ. (Ảnh minh họa).

Theo quy định này, khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.

Hay những biến động chính trị, kinh tế - xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể.

Doanh nghiệp tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.

Ngoài ra, một trong các trường hợp sau đây cũng được xem xét xóa nợ, gồm: Khách hàng vay vốn bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể; Khách hàng sau khi hết thời gian khoanh nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ và NHCSXH đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thu được nợ.

Đồng thời, các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của tòa án nhưng người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo thông báo của cơ quan thi hành án; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ…

Các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Kho bạc Nhà nước đã được áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thể thu hồi được…

Theo báo cáo của NHCSXH, từ năm 2002 đến đầu năm 2021, tổng số nợ được xử lý rủi ro theo Quyết định 50/2010 của Thủ tướng Chính phủ là 4.647 tỉ đồng cho 804.000 món vay. Các khoản nợ này đều do nguyên nhân khách quan.

Trong quá trình triển khai Quyết định 50 đã có phát sinh thêm một số nguyên nhân khách quan khác cần được bổ sung. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2021 và có hiệu lực từ ngày 19.5.

Đại diện NHCSXH cho biết Quyết định 08/2021 không chỉ xử lý cho những khoản nợ hiện tại tồn đọng mà đây là giải pháp giải quyết lâu dài sau này. Tổng nợ xấu quá hạn hiện nay của NH trên tổng dư nợ ở mức thấp và chỉ một phần trong số này sẽ được xóa nợ sau khi xử lý nhiều cách khác nhau mà không thu hồi được.

Hiện nay, theo quy định mới tại Quyết định 08/2021, sẽ có thêm một số trường hợp được xóa nợ, khoanh nợ. Hiện NH đang chờ các địa phương báo cáo tổng hợp. Bên cạnh đó, NHCSXH vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: https://congluan.vn/xoa-no-cho-nguoi-ngheo-mat-kha-nang-tra-no-va-doanh-nghiep-bi-pha-san-post134782.html