Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra nguy cơ siêu lạm phát?
Cập nhật lúc: 04/05/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 04/05/2021, 06:30
Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện sự thận trọng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%. Với tỷ lệ này, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.
Nhận định về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, quy mô dư nợ tín dụng/ GDP ngày càng lớn và đang ở mức khoảng 140%, do đó việc lựa chọn kiểm soát tín dụng càng nên thận trọng.
Năm 2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,13%, bước sang năm 2021, kịch bản tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở 12-14%. Tuy nhiên, căn cứ trên room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các Ngân hàng ở cuối quý I/2021, sau gần trọn một quý xem xét bối cảnh và chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo quý đầu năm. Có thể thấy ở mức 10-12% mục tiêu toàn ngành đặt ra, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện sự thận trọng cao.
Còn theo chuyên gia tài chính Lê Đạt Chí, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP đã lên đến 140% - mức cao nhất trong lịch sử cho thấy bài toán sử dụng các “liệu pháp” để kích thích nền kinh tế sẽ khiến hành vi của người dân và nền kinh tế, doanh nghiệp có sự thận trọng, càng khiến khả năng phục hồi của nền kinh tế chậm.
Theo đó, có 4 vấn đề đáng quan ngại, thứ nhất, khả năng không phải là lạm phát mà là giảm phát. Đây là căn bệnh khó trị nhất để phục hồi nền kinh tế.
Thứ hai, nếu nền kinh tế rơi vào giảm phát thì trong lịch sử có lúc trở thành siêu lạm phát, tức không phải là lạm phát gia tăng theo một tốc độ trong kiểm soát mà là ở tốc độ rất mạnh.
Khi một quốc gia lớn như Mỹ, nếu xảy ra trường hợp này, có tỷ lệ lạm phát tăng mạnh, tạo ra cú sốc kinh tế, tất yếu các nền kinh tế có đồng tiền chưa chuyển đổi như Việt Nam sẽ bị tổn thương. Lo ngại đó có thể không là hiện thực ở 2021 hoặc tương lai 2023-2034 nhưng trong một chiến lược phát triển kinh tế nói chung, luôn cần có kịch bản để đề phòng điều này xảy ra, ông Chí khuyến nghị.
Thứ ba, vì nhận ra tỷ lệ dư nợ tín dung/ GDP của nền kinh tế đang gia tăng nên các chính sách, đặc biệt chính sách tiền tệ sẽ phải dịch chuyển, định hình lại. Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi, động thái để chỉ đạo dòng tín dụng trong nền kinh tế. Đương nhiên đó không phải là dùng cái van để khóa ngay mà là sự điều chỉnh để phù hợp với diễn biến.
Thứ tư, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam và cả nền kinh tế thế giới, theo tính toán, hiện vận tốc tiền vẫn rất thấp, chỉ còn 0. 5-0.7% so với thời điểm tích cực 2.3-2.5%. Mức độ luân chuyển trong nền kinh tế chậm thì Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ phải bơm tiền ra ồ ạt để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Theo đó lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế khá lớn.
Vì vậy, nếu không chuẩn bị rút bớt tiền và sẵn sàng cho những nguy cơ thì khó tránh trường hợp khóa van đột ngột, như chúng ta đã từng có thời điểm phải làm như vậy. Nói cách khác sử dụng chính sách tiền tệ khóa van khẩn cấp thì sẽ gây ra những cú sốc và vượt ngoài kiểm soát.
Điểm khác biệt của bối cảnh hiện nay, so với trước đây là như đã nói, Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra điều này và đang có bước điều chỉnh dòng tín dụng. Ngoài ra, “sức khỏe” hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã khá tốt, đặc biệt tăng trưởng lợi nhuận giúp tạo nền tảng và nếu các ngân hàng giữ được tốc độ gia tăng vốn chủ sở hữu thì sẽ giảm được tỷ lệ nợ, tránh được những cú sốc bên ngoài.
“Bài toán và mục tiêu lớn của Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn là phải thúc đẩy vận tốc của tiền. Khi vận tốc tiền gia tăng thì cung tiền sẽ giảm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/ngan-hang-nha-nuoc-da-nhan-ra-nguy-co-sieu-lam-phat-post131094.html
12:00, 21/04/2021
10:56, 19/04/2021
08:18, 24/02/2021
19:25, 19/01/2021