19/01/2025 | 16:19 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản ra sao khi NHNN lùi thời hạn \"siết\" tín dụng?

Cập nhật lúc: 24/02/2021, 08:18

Triển vọng tín dụng bất động sản sẽ ra sao sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 1 năm so với quy định cũ?

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước - cho biết: "Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch".

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết ngoài chính sách trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng bất động sản…

Thị trường bất động sản trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Thị trường bất động sản trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn rủi ro, do đó, Ngân hàng nhà nước luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.

Trong thời gian qua, tín dụng bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng giảm (năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53%) và giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%).

Năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ước khoảng 9,97%, thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung (khoảng 12,13%).

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành linh hoạt chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, phù hợp với định hướng chung và diễn biến thị trường bất động sản, góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/thi-truong-bat-dong-san-ra-sao-khi-nhnn-lui-thoi-han-siet-tin-dung-299925.html