25/11/2024 | 02:09 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Thị trường BĐS chưa “đóng băng” hay “phát triển nóng”

Cập nhật lúc: 10/10/2020, 08:15

Trong một báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay phát triển “nóng”.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký báo cáo ngày 5/10/2020 của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.

Báo cáo này được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ X của Quốc hội, khai mạc ngày 20/10 tới.

Liên quan đến thị trường bất động sản, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thị trường năm 2019 có xu hướng giảm thể hiện qua một số chỉ tiêu như lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quý III, quý IV/2019), một số chỉ tiêu thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018).

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hiện nay, thị trường bất động sản đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

6 tháng đầu năm, số dự án được cấp phép mới hạn chế do vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng (các doanh nghiệp tập trung cơ cấu lại bộ máy, hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương tập trung cao độ cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên hiệu suất giải quyết công việc bị suy giảm).

Nguồn cung nhà ở trong giai đoạn này giảm 5,8% so với cùng kỳ quý II/2019. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

Đáng chú ý là giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01%. Còn tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15%.

Thị trường bất động sản chưa “đóng băng” hay “phát triển nóng”.

Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Hà cho biết, sau thời gian đình trệ hoạt động do giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh, thay đổi chiến lược và kế hoạch kinh doanh, áp dụng các phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại. 

Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở địa phương do quỹ đất phát triển các dự án tại các đô thị lớn không còn nhiều và sự quá tải hạ tầng xã hội ngày càng trầm trọng, xu thế phát triển hạ tầng và xu thế dịch chuyển lao động.

Bộ trưởng cũng đưa ra nhận định, trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Còn với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Bộ trưởng khẳng định: “Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay “phát triển nóng”.

Về nguồn cung nhà ở, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Trong khi đó giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật./.