18/01/2025 | 17:58 GMT+7, Hà Nội

Bộ Xây dựng đề xuất cho phép người nước ngoài được mua BĐS du lịch ở Việt Nam

Cập nhật lúc: 18/06/2020, 06:00

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt giải pháp cả về trước mắt lẫn lâu dài. Trong đó có đề xuất cho phép người nước ngoài được mua bất động sản du lịch ở Việt Nam.

Tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều 16/6 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản cần thực hiện nhiều giải pháp.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đã có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản khác không phải là nhà ở. Bổ sung vào Luật Kinh doanh Bất động sản quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại bất động sản không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.

VNREA cho rằng cho phép cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như bất động sản du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc này và vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua bất động sản của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở.

Trong một chia sẻ trước đó với Reatimes, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO khẳng định: “Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành điểm đến “vàng” cho “ngôi nhà thứ hai” của người nước ngoài. Và thu hút người nước ngoài mua bất động sản du lịch tại Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có những đổi mới về chính sách, pháp luật nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.

Chúng tôi mong rằng những cơ chế, chính sách thông thoáng về sở hữu bất động sản của người nước ngoài thể hiện qua những sửa đổi đồng bộ của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, xây dựng, du lịch, tín dụng, xuất nhập cảnh… sẽ sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để Việt Nam trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, hưu trí và đầu tư bất động sản của người nước ngoài, tăng ưu thế cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay: “Việc thu hút đầu tư vào bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược mang tính lâu dài và bền vững của du lịch Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cả cá nhân người nước ngoài vào du lịch sẽ vừa tạo được nguồn vốn, vừa tạo được thị trường cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico nhận định, Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những giải pháp đi trước của các quốc gia đó để cho phép người nước ngoài mua biệt thự, sở hữu bất động sản thay vì chỉ lo sợ rằng sẽ không quản lý được. Nhưng trước hết, để làm như vậy, chúng ta phải định nghĩa lại về khái niệm cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản. Đó là đầu tư kinh doanh, gọi người ta vào để phát triển những lĩnh vực ngành nghề liên quan, tạo công ăn việc làm, mang tới lợi nhuận, phát triển hạ tầng du lịch…

Hãy lấy Singapore làm ví dụ. Một quốc gia có diện tích vỏn vẹn 721km2 nhưng họ cho phép người nước ngoài được mua hầu hết các sản phẩm bất động sản là nhà ở, bất động sản không phải là nhà ở (du lịch, văn phòng...). Chính phủ Singapore chỉ không cho người nước ngoài mua nhà xã hội và một số sản phẩm đặc thù hữu hạn khác. Vậy, Việt Nam với hơn 3.200km đường bờ biển, đất đai ở nhiều khu vực vùng sâu vùng xa vẫn còn thưa thớt dân cư thì chúng ta hoàn toàn có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu bất động sản để khai thác, mang lại lợi nhuận.

Về tổng thể, cần đẩy mạnh hơn, khuyến khích hơn dòng vốn đầu tư cá nhân nước ngoài, cho phép người nước ngoài sở hữu sản phẩm bất động sản du lịch trong bối cảnh nguồn cung của chúng ta đang tốt. Tuy nhiên, vẫn cần cân đối, phải để lại một tỷ lệ nhất định bãi biển công cộng cho người dân hay tối thiểu là 0,5km lối ra vào cho ngư dân, cho bà con đi dạo, chứ đừng phân đất chia lô rồi bán hết như một số địa phương trong thời gian qua.