19/01/2025 | 01:29 GMT+7, Hà Nội

Không đưa hộ kinh doanh vào quy định trong Luật Doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 17/06/2020, 10:30

Với 90,68% số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, Quốc hội thống nhất không đưa hộ kinh doanh vào quy định trong Luật, mục đích để xây dựng luật riêng...

Với 90,68% số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, Quốc hội thống nhất không đưa hộ kinh doanh vào quy định trong Luật, mục đích để xây dựng luật riêng về đối tượng này.

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV, sáng 17/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Kết quả biểu quyết có 90,68% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với quy mô 10 Chương 219 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty...

Đối tượng áp dụng của luật bao gồm các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Nội dung luật cũng quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. .

Tiếp theo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Kết quả có 92,34% số đại biểu có mặt tán thành.

Luật gồm 3 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2021 nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, và quản lý đê điều.