19/04/2024 | 14:24 GMT+7, Hà Nội

Phó Thống đốc NHNN: Xoá tệ nạn tín dụng đen là nhiệm vụ cấp bách

Cập nhật lúc: 19/01/2021, 19:25

Các địa phương cần kiên quyết đẩy lùi và dần tiến tới xóa bỏ các hình thức tín dụng đen chứ không phải coi tín dụng đen như một đối tượng để các tổ chức tín dụng chính thức phải cạnh tranh.

Tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20/1, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô… cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thức cho vay tiêu dùng, cộng thêm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay để người dân có thể tiếp cận với các kênh vay vốn chính thức, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, với hệ thống mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch trai dài và phủ rộng khắp đến tận thôn bản trên cả nước, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức.
Đặc biệt, với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có các hình thức cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị xã hội; cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay... Nhờ đó, tính đến cuối 2020, dư nợ cho vay tiêu dùng của cả hệ thống đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng khoảng 7,4% so với cuối năm 2019.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc cho biết, dư nợ cho vay nhóm khách hàng cá nhân của Agribank vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm. Trong năm 2020, đã có gần 840.000 tỷ đồng tín dụng được giải ngân dành cho đối tượng này, tăng hơn 7% so với cuối 2019.
Đáng chú ý, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng; đồng thời, đơn giản hóa quy trình cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng cá nhân. Theo đó, người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng sẽ được giải ngân ngay trong ngày với số tiền tối đa 30 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ)… Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 250.000 tỷ đồng trong năm 2020, với hơn 440.000 lượt khách hàng vay vốn.
Agribank cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình, đặc biệt là bà con khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi ít có điều kiện tiếp cận thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen.
Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân hiện đang rất lớn và thể hiện rõ qua số liệu thống kê của các công ty tài chính. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), hiện công ty có khoảng 15 triệu khách hàng, với dư nợ vay mới từ 4.500- 7.000 tỷ đồng/tháng. FE Credit đang chiếm 50% thị phần các công ty tài chính tiêu dùng và khách hàng thường là những người không thể vay từ ngân hàng. Điều này cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất lớn.
Ngoài hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, một số tổ chức tài chính vi mô, các công ty fintech… cũng triển khai gói cho vay tiêu dùng đối với các khách hàng cá nhân. Thế nhưng, thực tế hoạt động tín dụng đen vẫn đang bủa vây người dân với nhiều chiêu trò lôi kéo khác nhau, và có chung lãi suất “cắt cổ”, khủng bố tinh thần người vay, thậm chí phải tự tử nếu chẳng may không hoàn trả kịp…
Tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần nhất quán quan điểm kiên quyết đẩy lùi và dần tiến tới xóa bỏ các hình thức tín dụng đen chứ không phải coi tín dụng đen như một đối tượng để các tổ chức tín dụng chính thức phải cạnh tranh.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc đấu tranh xóa bỏ tệ nạn tín dụng đen là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và được triển khai liên tục trên toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng ở các tỉnh thành đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành để đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tệ nạn tín dụng đen.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tăng cường tuyên truyền đến người dân để hiểu rõ hơn về những chính sách tín dụng, mở rộng tuyên truyền các gói vay nhanh, thủ tục đơn giản để người dân dễ dàng tiếp cận.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm triển khai các hình thức Mobile Money, mở rộng đối tượng cho vay đối với các tổ chức tài chính vi mô… Từ đó, tăng cơ hội tiếp cận vốn vay chính thức cho người dân, hạn chế dần tìm đến tín dụng đen, dẫn tới những hệ quả đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/pho-thong-doc-nhnn-xoa-te-nan-tin-dung-den-la-nhiem-vu-cap-bach-20201231000000749.html