19/01/2025 | 10:13 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia: Phát triển tài chính tiêu dùng sẽ đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật lúc: 21/01/2021, 09:25

PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng ngân hàng không thể cho vay nếu khách hàng không có gì thế chấp, nên tín dụng đen nở rộ là điều khó tránh khỏi.

* Ông có thể đánh giá về thị trường tài chính tiêu dùng ở các quốc gia khác, cũng như tương quan với thị trường Việt Nam?

- PGS.TSKH Võ Đại Lược: Trên thế giới, đó là một thị trường tiềm năng và rất phát triển, chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

Ở Mỹ, nếu muốn mua một căn nhà 2 tỉ đồng, hay một chiếc ô tô tương tự mà chỉ có 1 tỉ đồng thì vay tài chính tiêu dùng trả dần hàng tháng, trả trong vòng 5-7 năm. Với những sản phẩm cho vay giá trị như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng Mỹ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.

Ở các quốc gia phát triển, phần lớn là hàng tiêu dùng có giá trị lớn như bất động sản, ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng có giá trị nhỏ không phải mục tiêu chính.

Ở Việt Nam, với quy mô dân số đông và trẻ, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lớn, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, nên thị trường này còn nhiều dư địa tăng trưởng. Về lâu dài, cần tập trung cho vay hướng vào những sản phẩm có giá trị hơn.

PGS.TSKH.Võ Đại Lược: "Phát triển tài chính tiêu dùng sẽ đẩy lùi tín dụng đen"
 

* Tín dụng đen ở Việt Nam nở rộ. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?

Tín dụng đen có đất sống bởi có nhiều người "sa cơ lỡ vận" cần tiền dù phải vay với lãi suất cao.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển như vậy mà tín dụng đen còn khủng khiếp hơn Việt Nam. Theo quan sát của tôi, ở các nước đều tồn tại hình thức này, chỉ khác nhau về tần suất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng. 

Nếu như hệ thống ngân hàng, các công ty cho vay không phát triển, không phủ kín được nhu cầu của dân chúng thì buộc những người khó khăn trong tiếp cận tài chính phải đi vay tín dụng đen.

Ngân hàng thì không thể cho những người không có gì thế chấp vay tiền. Cho nên, tín dụng đen phát triển là điều khó tránh khỏi.

* Như phân tích của chuyên gia thì việc đẩy mạnh phát triển tài chính tiêu dùng sẽ đẩy lùi tín dụng đen?

Chắc chắn. Nếu phát triển mạnh hình thức cho vay tiêu dùng và các công ty tài chính thì chắc chắn sẽ đẩy lùi được tín dụng đen.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều công ty tài chính bị "chết yểu". Lý do bởi thu hút vốn không phải bằng con đường tiết kiệm mà là do đóng góp của các thành viên. Xong rồi lại dùng tiền này để kinh doanh tín chấp nên rủi ro lớn. 

Rủi ro lớn nên lãi suất cũng khá cao là điều đương nhiên. Nhưng nhìn chung, lãi suất và mức độ an toàn thấp hơn hình thức vay tín dụng đen nhiều lần.

Công ty tài chính do các ngân hàng hùn vốn lập ra thì lại khác, với dòng vốn mạnh hơn, hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm cho thấy, Nhà nước phải có luật quy định về hoạt động này và đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, đúng hướng thay vì siết chặt và làm méo mó thị trường.

* Vậy ông có đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của thị trường tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế?

Tôi không có số liệu, nhưng chắc chắn con số là không nhỏ. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…). 

Như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng đã và sẽ chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường.

* Khi tài chính tiêu dùng phát triển, ai sẽ là người được hưởng lợi, thưa chuyên gia?

Người dân được hưởng lợi đầu tiên, bởi có kênh để vay vốn nhanh, thuận tiện ngoài ngân hàng và an toàn, tiết kiệm hơn vay tín dụng đen. Về mặt tài chính số hóa, nhiều công nghệ mới của các công ty tài chính ra đời, hiện đại hơn sẽ phục vụ nhu cầu cho vay tốt hơn.

Người kinh doanh tài chính cũng có lợi khi cho vay tiêu dùng.

* Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có sự tham gia của 16 công ty tài chính được cấp phép. Khách hàng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng vừa và nhỏ, tuy nhiên có khả năng dẫn đến tình trạng khách hàng có nhiều quan hệ tín dụng với các tổ chức khác nhau.

Khi không có khả năng thanh toán, dễ dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức tín dụng cùng nhắc nợ trong cùng một thời điểm, gây ra các hiểu lầm đáng tiếc. Đây cũng chính là một bài toán đòi hỏi cả người đi vay lẫn đơn vị cho vay cần phải cân nhắc cẩn trọng và có trách nhiệm đối với các khoản vay tiêu dùng.