19/01/2025 | 02:25 GMT+7, Hà Nội

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng – tín dụng đen \'khóc ròng\'

Cập nhật lúc: 18/01/2021, 10:53

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được coi như "phao cứu sinh" cho người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn chính thức, toàn và được pháp luật công nhận.

Với những lời quảng cáo có cánh như không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần "alo là có tiền" với lãi suất thấp, các đối tượng cho vay nặng lãi - tín dụng đen như "vòi bạch tuộc" len lỏi khắp nơi, đã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy, trở thành con mồi để "hút máu".

Tín dụng đen hoành hành, người vay vào "đường cùng"

Thực tế, tín dụng đen không chỉ xuất hiện ở riêng Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới và đều giống nhau ở chỗ, hình thức cho vay không chính thống, mức lãi suất cho vay rất cao, kèm theo các hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động tín dụng đen không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp.

Sau 1 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cho thấy, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng.

Riêng 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Công an đã khởi tố 513 vụ, 815 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó, đã khởi tố 243 vụ, 528 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự).

Mới đây nhất, Công an quận Long Biên (TP. Hà Nội) vừa bắt giữ cặp vợ chồng cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 182,5 %/năm. Hay như tại Quảng Bình, Công an tỉnh này vừa triệt phá 10 băng nhóm tín dụng đen cho vay lãi suất "cắt cổ" 365%/năm.

Rõ ràng, những vụ việc liên quan đến tín dụng đen, số lượng các vụ án và bị can bị khởi tố về cho vay lãi nặng như vừa kể trên cho thấy, tín dụng đen đến nay vẫn còn rất nhức nhối và đáng báo động.

Chia sẻ tại một Hội nghị về triển khai các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, hiện nay lãi suất tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm. Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm (gấp 700 lần so với quy định) hoặc cao hơn.

Đáng chú ý, hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường có các hành vi như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ. Thủ đoạn sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê vẫn diễn ra, gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Bằng những chiêu thức đòi nợ "tàn khốc" như vậy, tín dụng đen đã đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh cùng quẫn. Thậm chí, có những trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng, hậu quả nặng nề cho xã hội.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng – gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính

Rõ ràng, không phải tự nhiên tín dụng đen lại được coi là vấn nạn nhức nhối trong xã hội và nền kinh tế. Nhìn nhận về vấn đề này, một Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại thừa nhận, bản thân tín dụng đen không phải là nguyên nhân bắt đầu nhưng lại là nguyên nhân kéo theo sự nảy nở phát triển không kiểm soát của các tệ nạn xã hội.

Đối với các ngân hàng, tín dụng đen là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng, sự ổn định bền vững của ngành ngân hàng khi cấp tín dụng. Bởi cũng có không ít khách hàng của ngân hàng vướng vào tín dụng đen, từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đồng vốn và khả năng trả nợ ngân hàng.

Nêu quan điểm của mình, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức nêu rõ: Dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quyết sách ngăn chặn tín dụng đen song các biện pháp này mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý. Trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường hay nói cách khác là cung – cầu về vốn. Phát triển cho vay tiêu dùng là một trong những giải pháp giúp hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen. "Chừng nào các ngân hàng, công ty tài chính chưa đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn cơ hội cho tín dụng đen phát triển", ông Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng phải thốt lên rằng, tín dụng đen là vấn đề không mới. Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

"Tình trạng tín dụng đen vẫn "nóng đi nóng lại" qua các năm. Điều này cho thấy, nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân vẫn rất lớn nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do không đủ điều kiện. Giải pháp căn cơ nhất để đẩy lùi tín dụng đen chính là, làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu vốn chính đáng của người vay, đặc biệt là người nghèo, điểm tín nhiệm thấp. Phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng chính là vì lý do đó", ông Thịnh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này lưu ý, tín dụng đen kéo dài sẽ càng làm trầm trọng thêm những hệ lụy đối với người vay, với xã hội. Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã nhận thức rõ được vai trò của cho vay tiêu dùng trong việc đẩy lùi tín dụng đen nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bởi chúng ta chưa thực sự quyết liệt. Hơn bao giờ hết, cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay tiêu dùng phát triển, nhưng phải minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính góp phần không nhỏ vào việc phát triển, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong đời sống xã hội. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không hạn chế các ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích các công ty tài chính, ngân hàng giảm lãi suất kích cầu cho vay. Bởi thúc đẩy tiêu dùng cũng chính là một trong những ưu tiên của Chính phủ.

Không thể phủ nhận hiệu quả và vai trò của công ty tài chính mang lại cho xã hội, trở thành nguồn cung ứng vốn chính thống cho hàng triệu khách hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng, để nguồn vốn này thực sự phát huy hiệu quả còn cần ý thức, trách nhiệm từ chính những người đi vay.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/day-manh-cho-vay-tieu-dung-tin-dung-den-khoc-rong-20201231000000419.html