22/11/2024 | 02:11 GMT+7, Hà Nội

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật lúc: 13/04/2020, 14:43

Trong bối cảnh “ tín dụng đen” đang ngày càng diễn biến phức tạp, đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh nợ nần cùng quẫn, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, cho vay tiêu dùng được coi là giải pháp hữu hiệu.

Đó chính là “phao cứu sinh” cho người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn chính thức, an toàn và được pháp luật bảo vệ.

Được giải tỏa cơn “khát” vốn, người dân nói không với “tín dụng đen”

Theo thống kê, hàng triệu người dân Việt Nam ở thành thị và nông thôn có nhu cầu vay vốn, nhất là những người thu nhập thấp. Đặc biệt, cùng những khó khăn của dịch bệnh Covid 19 thì nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ cuộc sống, tái sản xuất lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nếu các ngân hàng thương mại chỉ xem xét cho vay với những đối tượng có mức độ rủi ro thấp, có tài sản thế chấp, cùng rất nhiều hồ sơ thủ tục chứng minh thu nhập, thì người có thu nhập thấp sẽ không thể vay được.

Khi cánh cửa ngân hàng khép lại, người dân chỉ có thể vay mượn từ người thân, bạn bè; vay “nóng” hay còn gọi là “tín dụng đen”, hoặc vay từ các app vay tiền online trên mạng. Tuy nhiên, việc vay mượn từ người thân không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong khi vay tín dụng đen, hay vay qua các app không được sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, thì hệ lụy và rủi ro lại quá lớn với lãi suất lên đến 300 - 400% trên năm. Cuối tháng 3 vừa qua, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ nhóm đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ” lên đến 3.600%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước, một trong những giải pháp ngăn chặn tín dụng đen được đánh giá cao là phát triển tín dụng tiêu dùng, để người dân được vay vốn từ các tổ chức vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và đặc biệt là các công ty tài chính.

Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu, các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động. Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được đánh giá là “hội tụ” nhiều ưu điểm như cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay.

Về mặt quản lý, PGS.TS Đỗ Hoài Linh cho rằng, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã liên tục lắng nghe và có những điều chỉnh quy định pháp luật đến phương thức quản lý để hoạt động của các công ty tài chính dần đi vào quỹ đạo, hướng tới quản trị rủi ro, hoạt động có chất lượng. Không thể phủ nhận hiệu quả và vai trò của công ty tài chính mang lại cho xã hội, trở thành nguồn cung ứng vốn chính thống cho hàng triệu khách hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng, để nguồn vốn này thực sự phát huy hiệu quả còn cần ý thức, trách nhiệm từ chính những người đi vay.

Nâng cao trách nhiệm để vay vốn an toàn

Thực tế thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp khách hàng do hạn chế về tập quán, thói quen, khả năng quản lý tiêu dùng đã khiến họ đi vay nhưng không để ý đến tình trạng các khoản vay (điều khoản thanh toán, lãi suất, phí phạt…). Thậm chí không ít khách hàng có nhiều khoản vay tại nhiều tổ chức tín dụng một lúc dẫn tới việc chi tiêu vượt quá thu nhập, vay mượn vượt quá khả năng trả nợ, chậm thanh toán khiến phát sinh nợ xấu.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người vay tiêu dùng do chủ quan không tìm hiểu kỹ đã ký tên thay cho người khác trên các hợp đồng vay vốn, dẫn đến phải chịu trách nhiệm thanh toán cho khoản vay dưới tên mình.

Chính vì vậy, để có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh khuyến cáo: “Người dân cần có kiến thức tài chính, có kế hoạch chi tiêu để không vay mượn ngẫu hứng. Vay phải có kế hoạch trả nợ, phải tính đến trường hợp xấu nhất là vỡ nợ, tránh những hệ lụy tiêu cực như chây ỳ, trốn nợ, vứt bỏ sim điện thoại, trốn khỏi nơi cư trú, thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ, gây khó khăn cho các công ty tài chính như rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong thời gian vừa qua”.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, người dân cần xác định rõ năng lực tài chính của bản thân trước khi ký hợp đồng vay tiền, lưu ý đến trách nhiệm trả nợ. “Nhiều người không tìm hiểu, không cân nhắc kỹ trước khi vay, nên không thể cân đối được thu nhập và chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu phải trả nợ”.

Có trách nhiệm với khoản vay, chính là cách để người đi vay tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro không đáng có, và gia tăng cơ hội vay vốn với lãi suất thấp hơn tại các tổ chức tín dụng chính thống trong những lần vay sau, PGS.TS Đỗ Hoài Linh nhấn mạnh.