19/01/2025 | 02:34 GMT+7, Hà Nội

Không trả nợ vay tiêu dùng - cần xử lý đúng luật để răn đe

Cập nhật lúc: 01/04/2020, 14:57

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, với những trường hợp người đi vay có những hành vi tiêu cực như chây ỳ, trốn nợ, không trả nợ, hành hung cán bộ đòi nợ phải xử lý theo đúng luật để mang tính răn đe.

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Giới ngân hàng từng quen thuộc với câu than thở của cán bộ tín dụng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” để nói lên sự vất vả khi đi đòi nợ khách hàng. Thực tế, thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua cũng ghi nhận, ngay cả những món vay nhỏ vài ba chục triệu của các công ty tài chính tiêu dùng, công tác thu hồi nợ cũng chịu chung cảnh ngộ.

Thậm chí, nhiều trường hợp, khách hàng đã không chịu trả nợ mà còn hành hung nhân viên thu hồi nợ.

Theo ghi nhận của các công ty tài chính, một loạt vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua như trường hợp nhân viên một công ty tài chính tới thu hồi nợ tại nhà (Quận 2, TP.HCM), bị khách hàng dùng bóng đèn dài và tuýp sắt hăm dọa tấn công làm hỏng phương tiện.

Hay trường hợp tại huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Hoàng Văn Tr. về tội cố ý gây thương tích, quy định tại khoản 1, điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, khi người này cùng đồng bọn đã tấn công khiến một nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính phải nhập viện cấp cứu.

Đại diện một công ty tài chính cho biết, theo thống kê, các hành vi tiêu cực của khách hàng như chây ỳ, trốn nợ, chuyển khỏi nơi cư trú, hành hung nhân viên thu hồi nợ…, xảy ra ngày càng nhiều.

Mỗi khách hàng đều có lý do riêng để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Có nhiều trường hợp người vay dù có khả năng chi trả, không bỏ trốn nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để trốn nợ.

Lý giải về nguyên nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Trước hết, là do người đi vay chưa cân đối được năng lực tài chính của bản thân và khả năng trả nợ trước khi vay. Ngoài ra, văn hóa đi vay cũng có nhiều điểm cần bàn. Bởi không có tài sản thế chấp, nên nhiều người chây ì hoặc cố tình “bùng” các khoản vay tài chính tiêu dùng, gây khó khăn cho các công ty tài chính trong công tác thu hồi công nợ”.

Cần bảo vệ các công ty cho vay tiêu dùng hoạt động đúng luật

Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về quyền sở hữu của các công ty tài chính như quyền đòi nợ hợp pháp, ủy quyền đòi nợ, bán nợ cho bên thứ 3, quyền tịch thu tài sản, hay quyền khởi điện ra Tòa án đối với những trường hợp khách hàng vay nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Cụ thể, theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định, dựa trên các điều khoản của pháp luật thì việc nhắc nợ, đòi nợ của các công ty tài chính là hoạt động hợp pháp.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng: “Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật”.

Hay, công ty tài chính được bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên thứ ba theo các quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực thế, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, pháp luật hiện nay vẫn thiên về bảo vệ người đi vay nhiều hơn. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Basico cho biết: “Khác với các khoản vay có tài sản đảm bảo, cho vay tiêu dùng không có tài sản chế chấp, các tổ chức tín dụng phó thác khoản vay vào lòng tốt và sự tử tế trả nợ của người đi vay.

Chính vì vậy, pháp luật phải bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Cái gốc là bảo vệ chủ sở hữu. Trên thế giới đều bảo vệ quyền của bên cho vay, nhưng ở Việt Nam làm ngược lại. Nước ta có tâm lý bảo vệ người yếu thế, cho dù người đi vay đó sai. Toà án thi hành án chậm chạp, công an tránh hình sự hoá quan hệ kinh tế nên dù có dấu hiệu lừa đảo nhưng xử lý rất ì ạch”.

Theo thống kê tại Việt Nam, muốn xử lý một khoản vay không thu hồi được nợ thông qua Tòa án phải mất từ 3 – 5 năm, tỉ lệ thu hồi nợ là 15%. Nhưng tại Nhật Bản chỉ mất 6 tháng, tỉ lệ thu hồi nợ là 93%. Tại Singapore mất 8 tháng và tỉ lệ thu hồi nợ là 91%.

Các chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, nếu muốn đẩy mạnh kênh cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nhưng không có những biện pháp bảo vệ cho các công ty tài chính thì rất khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với những trường hợp không trả nợ, hành hung cán bộ đòi nợ phải xử lý theo đúng luật để mang tính răn đe. Nếu không trả thì đưa ra tòa xét xử. Và các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh khẳng định, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững, thì nhất thiết phải xây dựng trên một hệ thống tài chính vững mạnh: “Cần phải hoàn thiện một hệ thống pháp lý hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa bên cho vay và người đi vay.

Quan trọng hơn là phải thực thi quy định pháp lý thật nghiêm minh. Khi cả hai phía được bảo vệ lợi ích ngang nhau, và được luật hóa bảo vệ, thì trách nhiệm từ hai phía sẽ được nâng lên, thị trường vay tiêu dùng sẽ an toàn, lành mạnh”.