19/01/2025 | 02:42 GMT+7, Hà Nội

Khách hàng vay tiêu dùng phải có nghĩa vụ trả nợ

Cập nhật lúc: 24/03/2020, 15:25

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật TNHH FANCI, việc vay tiêu dùng dựa trên sự tự nguyện và thỏa mãn quyền lợi của các bên. Khách hàng vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ.

Trong trường hợp khách hàng chây ỳ không thanh toán nợ thì công ty tài chính (CTTC) có quyền đòi, giục, thông báo trả nợ và có thể khởi kiện vụ án ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, đảm bảo tính hiệu lực của giao kết hợp đồng.

- Thời gian qua, có nhiều người dân dễ dàng tiếp cận và được vay tiêu dùng từ các công ty tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cuộc sống. Lúc đầu, công việc ổn định nên khách hàng trả lãi và gốc đúng thời hạn. Sau đó, vì những trục trặc trong tài chính cá nhân, nên họ gặp khó khăn và không có điều kiện để trả lãi và gốc theo đúng thời hạn theo hợp đồng nữa. Thưa luật sư, trong trường hợp này, khách hàng vay phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Vay nợ tiêu dùng hiện nay khá đơn giản, do sự phục vụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các công ty tài chính, với lãi suất hợp lý và thủ tục vay nhanh, gọn, đơn giản. Cho vay tiêu dùng không thế chấp là việc cá nhân vay không cần tài sản đảm bảo, dựa vào uy tín và năng lực trả nợ của người vay. Bên cạnh đó, khách hàng vay phải có mục đích vay rõ ràng và cần có sự thẩm định của đại diện công ty tài chính.

Phải nhấn mạnh rằng, việc vay tiêu dùng dựa trên sự tự nguyện và thỏa mãn quyền lợi của các bên. Cụ thể, bên vay có mong muốn được vay để tiêu dùng, công ty tài chính cho vay với mục đính kinh doanh tài chính. Sự thống nhất của hai bên được lập thành hợp đồng vay tiêu dùng, nội dung hợp đồng được quy định cụ thể tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN, như quy định về phương thức, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất vay, phương thức giải ngân... Quyền nghĩa vụ các bên được quy định cụ thể trong hợp đồng vay, cách giải quyết các tranh chấp, những vi phạm chậm trả, quá hạn trả nợ cũng được quy định cụ thể trong hợp đồng.

Bản chất đây là giao dịch dân sự tự nguyên nên khách hàng hay bên cho vay tiêu dùng nếu có vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu các chế tài xử phạt theo hợp đồng. Ở đây, khách hàng vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp khách hàng chây ỳ không thanh toán nợ thì công ty tài chính có quyền đòi, giục, thông báo yêu cầu trả nợ và có thể khởi kiện vụ án ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, đảm bảo tính hiệu lực của giao kết hợp đồng.

- Như phân tích của luật sư, việc khách hàng không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn, công ty tài chính có quyền phạt vi phạm hợp đồng hoặc khởi kiện ra tòa. Vậy còn việc đại diện công ty tài chính gọi điện yêu cầu khách hàng thanh toán và thông báo về việc đưa vụ việc này ra trước pháp luật có được coi là hành vi đe dọa?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Thứ nhất, trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn thì chưa đủ cơ sở để cấu thành tội “Lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sẽ cấu thành tội này khi khách hàng có hành vi chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn hoặc đến hạn trả tài sản mà có điều kiện, có khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến tình trạng không có khả năng để trả.

Thứ hai, trường hợp đại diện công ty tài chính gọi điện yêu cầu khách hàng thanh toán và thông báo về việc đưa vụ việc này ra trước pháp luật không phải là hành vi đe dọa, vì đe dọa là hành vi uy hiếp người khác trái pháp luật. Đại diện công ty tài chính có đủ điều kiện để thực hiện giao dịch cho vay, đòi, giục nợ khi khách hàng chậm trả và đại diện tham gia tố tụng trong việc khởi kiện.

Như vậy, đại diện công ty tài chính có quyền gọi điện yêu cầu khách hàng thanh toán và thông báo về việc đưa vụ việc này ra trước pháp luật nếu khách hàng chây ỳ. Việc gọi điện không ngoài mục đích nào khác ngoài việc thông báo cho khách hàng biết mức độ vi phạm, tính chất sự việc, không thể trốn tránh, chây ỳ trả nợ. Cuối cùng, tòa án vẫn là đơn vị, cơ quan tiến hành giải quyết, điều chỉnh các hành vi sai phạm của khách hàng. Điều này sẽ rất phiền phức và có thể ảnh hưởng lâu dài đến những khách hàng, nếu như không trả nợ.

- Đó là những rủi ro về phía khách hàng. Thưa luật sư, việc vay tiền từ công ty tài chính là tín chấp, do vậy, nếu khách hàng không còn khả năng thanh toán thì bên cho vay sẽ phải chịu những rủi ro gì?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Vay tín chấp không cần tài sản thế chấp, vì vậy, trong giao dịch này thì bên chịu rủi ro nhiều nhất vẫn là công ty tài chính. Đây là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có mục đích đầu tư sinh lời. Với những khách hàng không còn khả năng thanh toán nợ thì chắc chắn sẽ khó thu hồi vốn và lãi suất.

Để giải quyết những khoản nợ khó đòi thì công ty tài chính còn mất rất nhiều chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi. Tốn thời gian và công sức để tiến hành thu hồi nợ mà kết quả thu hồi không cao. Những khoản nợ xấu khó đòi thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh. Tóm lại, chi phí quản lý, vận hành chắc chắc sẽ tăng lên, nếu như gặp phải nhiều khách hàng “nhây” không trả nợ. Đây là những rủi ro chính mà công ty tài chính gặp phải.

- Luật sư có thể lý giải tại sao lại có những trường hợp lãi suất cao mà một số người hay đưa ra làm ví dụ để bình luận, và cho rằng khách hàng đang phải chịu mức lãi suất cao từ các công ty tài chính?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Thứ nhất, phải khẳng định rằng, các công ty tài chính được thành lập, hoạt động và cho vay với lãi suất nằm trong khung cho phép của pháp luật. Bản chất lãi suất cao hay thấp là do đối tượng và phương thức cho vay của ngân hàng hoặc công ty tài chính khác nhau, nên mức độ rủi ro của khoản vay cũng rất khác nhau.

Thứ hai, với ý kiến cho rằng, khách hàng phải chịu mức lãi suất cao từ các công ty tài chính, thì quan điểm này chưa chính xác, chỉ nhìn bằng nhãn quan từ một góc cạnh sự việc. Trong hợp đồng, hai bên đã thống nhất quy định rất cụ thể về lãi suất vay, lãi chậm trả, lãi phạt vi phạm. Trường hợp có thay đổi lãi suất vay thì công ty tài chính phải báo cáo, trình duyệt cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, lãi suất của một số trường hợp bị đẩy lên cao có thể do người vay vi phạm hợp đồng, ý thức thực hiện nghĩa vụ của khách hàng quá kém, bị liệt vào danh sách nợ xấu, việc quá hạn trả nợ phải chịu lãi trả chậm dẫn đến lãi chồng lãi.

- Qua phân tích những trường hợp như trên, luật sư có lời khuyên gì cho các khách hàng khi vay tiền tại công ty tài chính?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Cho vay tiêu dùng là giải pháp tài chính rất nên khuyến khích, nhất là khi tín dụng đen đang nở rộ và để lại nhiều hệ lụy. Các công ty tài chính thường nhắm đến đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Với đối tượng này, cần phải biết điều tiết “cảm xúc chi tiêu”. Khách hàng vay tiền cần xác định đúng nhu cầu, năng lực tài chính, khả năng trả nợ.

Trước khi thực hiện ký kết hợp đồng vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, người vay cần đọc kỹ hợp đồng để biết mức lãi suất là bao nhiêu, lãi trễ hạn là bao nhiêu, thời hạn thanh toán… nhằm tránh trường hợp ký rồi mới phát hiện lãi suất quá cao không thể chi trả được.

Quan trọng hơn, cần có kế hoạch tài chính thật khoa học, hợp lý, bởi như tôi đã phân tích, có vay thì phải có trả.

- Trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!