19/01/2025 | 07:18 GMT+7, Hà Nội

Người dân cần trả nợ đúng hạn khi vay tiêu dùng

Cập nhật lúc: 18/03/2020, 15:32

Để có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, khách hàng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định phương án trả nợ để tránh những rủi ro không đáng có khi vay vốn tiêu dùng.

Với ưu thế phù hợp, nhanh gọn, thuận tiện, vay tiêu dùng đang giúp người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay chính thống, nhằm phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, mỗi một sản phẩm vay tiêu dùng đều có đặc thù riêng. Để có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, khách hàng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định phương án trả nợ để tránh những rủi ro không đáng có khi vay vốn tiêu dùng.

Xác định rõ mục đích vay tiền

Các chuyên gia cho rằng, những khoản vay lớn sẽ có áp lực trả nợ rất lớn. Vì vậy, cần căn cứ vào nhu cầu mình muốn vay làm gì, năng lực trả nợ như thế nào. Những người không có kế hoạch cụ thể hay không tuân thủ kế hoạch một cách nghiêm ngặt rất dễ bị vỡ nợ.

Trường hợp khách hàng Minh V. ở Đống Đa, Hà Nội sau một tuần mua chiếc máy tính xách tay mới với giá hơn 40 triệu đồng đã cảm thấy tiếc vì công việc của anh không thực sự cần một chiếc máy tính hiện đại và có cấu hình cao như thế.

Anh V. chia sẻ, nếu suy nghĩ thận trọng hơn, anh sẽ mua một chiếc máy tính phù hợp, có giá thành rẻ hơn. Hay như chị Hoàn P. ở huyện ngoại thành Hà Nội quyết định vay trả góp để mua một chiếc xe máy để phục vụ nhu cầu đi lại. Tại thời điểm vay vốn để mua xe, chị P. đang làm việc cho một công ty tư nhân trên địa bàn, nhưng sau đó chị nghỉ việc, không có nguồn thu nhập ổn định, chị P. mất khả năng trả nợ. Sau 3 tháng không trả góp theo đúng hợp đồng đã trở thành nợ quá hạn nên phải chịu lãi suất khá cao.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hàng tháng, để đảm bảo mình luôn trả nợ đúng hạn, bởi số tiền còn lại sẽ được chi trả cho những nhu cầu khác của cuộc sống như ăn, mặc ở, đi lại…Đặc biệt, người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tuỳ hứng tiêu pha lung tung.

Nắm rõ những thông tin cơ bản trên hợp đồng

Thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người đi vay thường chỉ chú ý tới món đồ mình sẽ sở hữu mà quên mất một phần rất quan trọng đó là đọc kỹ hợp đồng. Chỉ tới khi phát sinh các vấn đề mới tá hỏa nghĩ mình đã bị “lừa”.

Trên thực tế, hợp đồng ký kết vay vốn giữa khách hàng và các công ty tài chính thường minh bạch rõ ràng với rất nhiều điều khoản quy định về lãi suất, lãi phạt, phí phạt trước hạn…

Luật sư Nguyễn Thế Truyền khuyến cáo: “Trước khi đặt bút ký, khách hàng nên đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt, cơ quan tài phán cho các tranh chấp, điều kiện để chấm dứt trước thời hạn, các trường hợp bất khả kháng... và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan”.

Dự trù khả năng tài chính, lựa chọn phương thức trả nợ phù hợp

Hai phương thức trả nợ phổ biến hiện nay là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả nợ theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp, hàng tháng khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định. Với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, hàng tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi (lãi tính theo số nợ thực tế). Như vậy, số tiền lãi hàng tháng khách hàng phải trả giảm dần. Do vậy, người đi vay cần tìm hiểu về phương thức trả nợ để dự trù khả năng tài chính của mình, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu.

Thông tin hồ sơ càng minh bạch càng có lãi suất tốt: Các CTTC thường cho vay trên cơ sở tín chấp, chủ yếu chỉ cần CMND hoặc CCCD + Sổ hộ khẩu/Bằng lái xe của khách hàng. Người vay càng minh bạch thông tin và đầy đủ giấy tờ chính chủ, lại có lịch sử trả nợ tốt, càng được vay với số tiền lớn hơn, lãi suất thấp hơn.

“Quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.