19/01/2025 | 10:03 GMT+7, Hà Nội

Cách chi tiêu để việc trả nợ vay tiêu dùng không còn là áp lực

Cập nhật lúc: 12/03/2020, 10:53

Vay tiêu dùng dần trở nên phổ biến với những người thu nhập thấp để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu không biết cách cân đối dòng tiền để trả nợ dễ khiến người vay rơi vào tình trạng nợ nần và mất khả năng thanh toán.

Vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm và các nhu cầu thiết yếu khác. Trong đó, đối tượng vay tiêu dùng chủ yếu là những người thu nhập thấp có mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng không có tài sản đảm bảo, không thể đi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, làm sao để người đi vay cân đối được dòng tiền trả nợ, khiến các khoản vay không trở thành áp lực nặng nề? Làm sao để giảm thiểu rủi ro giúp vốn vay tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả? Đó là câu hỏi mà cơ quan quản lý và các đơn vị cho vay như các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân… luôn trăn trở.

Thực tế, thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người đi vay do không có kế hoạch chi tiêu, không cân đối được dòng tiền trả nợ, dẫn đến khoản vay quá hạn thanh toán thời gian dài, người vay chây ỳ, trốn nợ, không hợp tác thậm chí hành hung nhân viên thu hồi công nợ tới thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu.

Theo các chuyên gia tài chính, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc trên thì người đi vay nên cân nhắc tới nguồn tiền trả nợ cũng như phương thức trả nợ để không ảnh hưởng tới cuộc sống. Theo đó, người đi vay cần:

Tính toán tỉ lệ nợ trên tổng thu nhập

Chỉ số quan trọng nhất người vay cần tính tới là tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI). Đây là chỉ số thể hiện tổng số tiền nợ phải trả với tổng thu nhập thực tế hàng tháng của mỗi người, là tỷ số quyết định khả năng thanh toán các khoản vay của khách hàng.

Theo cách tính này, tỷ lệ DTI càng thấp thì khả năng tài chính càng vững mạnh và có thể dễ dàng thanh toán các khoản vay tiêu dùng, nó cũng cho thấy rủi ro mắc nợ không cao.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hằng tháng. Ví dụ: Một người có thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, thì khoản vay nợ chỉ nên dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Bởi số tiền còn lại sẽ được chi trả cho các nhu cầu khác như ăn uống, học tập, đi lại… Người đi vay sẽ vừa trả nợ được đúng hạn, vừa không bị khoản trả nợ làm ảnh hưởng tới cuộc sống.

Xác định phương thức trả nợ

Khi vay tiêu dùng người dân cũng cần tính tới phương thức trả nợ. Hiện có hai cách tính, gồm dư nợ ban đầu hoặc dư nợ giảm dần.

Nếu vay theo dư nợ giảm dần thì số tiền gốc được trừ dần theo tháng và số tiền lãi sẽ được tính theo số tiền gốc thực tế còn lại. Còn nếu dư nợ được tính theo phương thức ban đầu, nghĩa là hàng tháng sẽ phải trả tiền gốc cố định cùng với một số tiền lãi giống nhau.

Ví dụ, người đi vay muốn vay tiền mặt của công ty tài chính. Sau khi nhập thông tin về giấy tờ chứng minh thu nhập như bảng lương, hóa đơn tiền điện, hợp đồng bảo hiểm, hay sao kê ngân hàng, chọn số tiền muốn vay và thời gian vay, sẽ lập tức hiện khoản phải trả góp hàng tháng. Ví dụ, nếu vay 20 triệu đồng trong vòng 12 tháng, khoản trả góp sẽ là 2.100.246 VND/ tháng. Mọi thông tin đều minh bạch và rõ ràng giúp người đi vay ra quyết định chính xác hơn.

Lựa chọn công ty cho vay uy tín

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro “người dân cần chọn lựa những kênh tài chính an toàn và phù hợp, ví dụ như ngân hàng hay công ty tài chính, đó là những đơn vị, tổ chức cho vay hợp pháp”.

Hiện nay, theo số liệu của NHNN, toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động với các tên tuổi lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison... Các công ty này có mặt tại các trung tâm điện máy, cửa hàng, cho vay trực tiếp khi khách hàng mua sản phẩm dịch vụ, và phát hành thẻ tín dụng với nhiều khuyến mại hấp dẫn.

Cân đối dòng tiền trả nợ

Người đi vay trước khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn cần lưu ý những nội dung có trên hợp đồng để xem có đáp ứng được khả năng trả nợ của mình hay không. Đặc biệt, chú ý nhiều đến vấn đề lãi suất. Nếu không hiểu có thể hỏi kỹ nhân viên tư vấn, tránh tình trạng tới khi phải trả mới “giật mình”.

Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi cá nhân đều có các chiến lược về đòn bẩy tài chính và cách thức quản lý nợ khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có bảng kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng và hiệu quả, người vay cần kiểm soát tốt nợ và khả năng trả nợ để tránh việc mất khả năng chi trả.

“Người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tuỳ hứng tiêu pha lung tung để đảm bảo mình vay và trả nợ đúng hạn”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.