18/01/2025 | 20:00 GMT+7, Hà Nội

Vay tiêu dùng: Không vay tiền mới để trả nợ cũ

Cập nhật lúc: 03/04/2020, 10:33

Tài chính tiêu dùng đang ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm, các gói vay được thiết kế phù hợp với thủ tục đơn giản linh hoạt tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, người đi vay cũng cần lưu ý tìm hiểu kỹ để sử dụng đúng mục đích, không vay tiền mới trả nợ cũ, để vốn vay tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế rủi ro. 

Vay tiêu dùng phù hợp với người dưới chuẩn vay của ngân hàng

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với 16 công ty tài chính lớn đang không ngừng phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp đơn giản và hiệu quả như: vay trả góp điện máy, vay mua xe máy, vay tiền mặt, mở thẻ tín dụng, mua bảo hiểm…đang trở thành nguồn cung ứng vốn vay chính thống cho hàng triệu người dân có nhu cầu về tài chính nhưng gặp khó khăn khi không thể vay vốn ngân hàng.

Hiện nay, đa phần người dân ở vùng nông thôn có thu nhập trung bình và thấp, khó tiếp cận, đáp ứng với sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng do vướng mắc về thủ tục chứng minh thu nhập, hoặc không có tài sản đảm bảo. Họ vẫn có thói quen tìm đến cầm đồ, cho vay nặng lãi hay các hình thức vay không chính thống để giải quyết nhu cầu cấp bách cho các khoản vay nhỏ, lãi cho vay có thể lên đến hơn 200%/năm, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân.

Đó cũng là lí do nhiều công ty tài chính lớn đang ngày càng mở rộng hệ thống về những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sự hợp tác của FE CREDIT với tổng công ty bưu điện Việt Nam với hệ thống hơn 10.000 bưu cục/ điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước trong thời gian vừa qua đã trở thành kênh tài chính chính thống và hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Nhận xét về những lợi ích mà tài chính tiêu dùng đã mang lại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân do không đủ điều kiện tín dụng của ngân hàng đã tìm đến vốn vay tại công ty tài chính. Nếu quản lý tốt tài chính, người đi vay sẽ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi nhận định từ kinh nghiệm phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia: “Sự hiện diện của công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của Nhà nước. Nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số những khách hàng vay của công ty tài chính do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội”.

Một số lưu ý khi đi vay tiêu dùng

Các sản phẩm vay của các công ty tài chính hiện nay được thiết kế để đông đảo khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có thể nhanh chóng và dễ dàng vay, nhưng vốn là những người đang khá khó khăn về tài chính nên khách hàng cần phải xác định mục tiêu đi vay, khả năng tài chính để trả nợ đúng hạn, tìm hiểu kỹ quy định pháp luật để không có những hành vi tiêu cực.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết: “Nhiều người hiện nay có nhu cầu tiêu dùng cao, thậm chí mua mặt hàng quá thu nhập và đã tìm đến hình thức vay tín dụng tiêu dùng. Việc vay bao nhiêu tiền cần cân nhắc để tính tỉ lệ an toàn, tuyệt đối không nên vay tiền mới trả nợ cũ”, bởi như vậy sẽ khiến người đi vay ngày càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần, sẽ phát sinh thêm lãi và không thể trả được nợ.

Hiện nay, các công ty tài chính thường cho vay trên cơ sở tín chấp, chủ yếu chỉ cần CMND hoặc CCCD + Sổ hộ khẩu/Bằng lái xe của khách hàng. Người vay càng minh bạch thông tin và đầy đủ giấy tờ chính chủ, lại có lịch sử trả nợ tốt, càng được vay với số tiền lớn hơn, lãi suất thấp hơn.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit cho biết: “Quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ. Người tiêu dùng cần hiểu rõ hệ lụy nếu có “vết đen” tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Bởi lẽ, chỉ cần người sử dụng phát sinh nợ xấu tại một tổ chức thì tất cả các nơi khác đều được thông báo và ngưng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nợ xấu”.

Mặt khác, theo các chuyên gia pháp lý, trong nhiều trường hợp người đi vay mà không trả có thể bị xử phạt hình sự. Tùy vào mức độ, tính chất cũng như giá trị của khoản vay mà người đi vay có thể bị xử phạt hình sự với tội danh Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015.