Trẻ sơ sinh vừa chào đời đã có răng: Vì sao cha mẹ cố gìn giữ nhưng bác sĩ chỉ muốn nhổ bỏ?
Cập nhật lúc: 10/08/2018, 22:00
Cập nhật lúc: 10/08/2018, 22:00
Nhận con từ tay bác sĩ, như phản xạ ban đầu của mọi người, gia đình chị Hoàng Ngọc Thuý (Sơn Tây, Hà Nội) kiểm tra toàn diện bé và đánh giá mắt giống ai, mũi thế nào, mặt tròn hay dài… Bất chợt, em bé khóc, gia đình không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy hàm trên của bé đã có một chiếc răng cửa.
Mọi người xôn xao, vui mừng vì trước nay chỉ được nghe kể chứ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến trẻ sơ sinh có răng luôn.
Đặc biệt, ai cũng nghe đồn, trẻ đẻ ra đã có răng sẽ giúp gia đình ấy có lộc và giàu lên trông thấy. Chính vì lẽ đó, khi chăm sóc, mọi người luôn chú ý, cố gắng giữ gìn chiếc răng của bé.
Trái ngược hoàn toàn với tâm trạng của gia đình, khi biết thông tin bé có răng sơ sinh, bác sĩ đã khuyên gia đình nên cố nhổ bỏ sớm cho trẻ. Bác sĩ khẳng định, những đứa trẻ mọc răng quá sớm, nhất là mọc khi vừa sinh đều là bất thường.
Tuy nhiên, gia đình không làm theo lời khuyên bác sĩ. Vài ngày sau, trong lần vệ sinh miệng cho trẻ, cả nhà tá hoả vì không rõ chiếc răng biến đâu mất. Lo sợ con nuốt, gây hóc nên lập tức gọi bác sĩ.
Khi nhân viên y tế tiến hành kiểm tra, chiếc răng may mắn rơi ra. Lúc này, bác sĩ giải thích, nếu không kịp thời phát hiện, trẻ có thể hóc, sặc hoặc nuốt phải răng rất nguy hiểm.
Theo TS. BS Đinh Xuân Thành - Giảng viên môn Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội, mặc dù chưa rõ nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng theo một số nghiên cứu, răng sơ sinh có yếu tố di truyền, khoảng 15% bé có cha mẹ hoặc họ hàng gần có răng sơ sinh.
Các nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ giữa răng sơ sinh với tình trạng rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng, xáo trộn tâm lí ở người mẹ mang bầu hoặc yếu tố môi trường sống.
Tỉ lệ trẻ mọc răng sơ sinh vào khoảng 1/3.000 – 1/2.000 rất hiếm gặp. Chiếc răng này thường là răng cửa hàm dưới, chân răng thường nông, gắn với lợi bằng một mô mềm nên rất dễ lung lay và rụng bất ngờ.
Chính vì dễ rụng, bác sĩ khi phát hiện chiếc răng này thường sẽ yêu cầu phụ huynh cho nhổ trước khi đưa em bé từ bệnh viện về nhà với lý do răng có thể rơi rụng bất cứ lúc nào và khi đó sẽ gây nguy hiểm nếu rơi vào đường hô hấp của trẻ.
Chưa kể, răng mới sinh khiến bé khó chịu, ngứa, cắn qua cắn lại dễ gây hiện tượng loét vùng dưới môi hoặc khiến lưỡi bé bị tổn thương khi bú hay làm đau đầu ti mẹ khi cho trẻ bú.
Răng mới sinh thường được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm sơ sinh. Lúc này, bé sẽ được chụp X-quang nha khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến răng mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu.
Các bác sĩ khuyên những gia đình có con mọc răng sớm, không nên lo lắng, hoang mang bởi nếu hiện tượng này không đi kèm với các bệnh lý khác thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Sau khi nhổ những chiếc răng mọc sớm, trẻ hoàn toàn phát triển về hệ răng bình thường như bao trẻ khác.
Với những gia đình không muốn nhỏ bỏ răng cho trẻ, bác sĩ khuyên, người nhà phải chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách dùng khăn ẩm sạch lau nhẹ lợi và răng của bé.
Thường xuyên kiểm tra lợi và lưỡi của bé xem có bị răng làm tổn thương không, có lung lay không để đảm bảo an toàn cho con.
12:12, 10/08/2018
00:00, 10/08/2018
08:31, 09/08/2018
04:02, 09/08/2018
02:39, 09/08/2018
08:35, 07/08/2018
08:44, 06/08/2018