23/11/2024 | 06:22 GMT+7, Hà Nội

Tranh cãi phương án giải cứu Hồ Tây, hồi sinh sông Tô Lịch

Cập nhật lúc: 22/12/2018, 23:33

Giới chuyên gia cho rằng, dù Hà Nội đang cố gắng làm sạch sông Tô Lịch và Hồ Tây tuy nhiên cần phải tính toán kỹ phương án thay nước bởi sẽ liên quan đến thủy sinh vật trong hồ cũng như cảnh quan chung.

 Tình trạng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây lặp lại nhiều lần kể từ 2016 tới nay. Ảnh: Việt Linh

Tình trạng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây lặp lại nhiều lần kể từ 2016 tới nay. Ảnh: Việt Linh

Nguy cơ xóa sổ sông, hồ tại Hà Nội

Vốn là dòng sông cổ của thành Thăng Long, nơi diễn ra các hoạt động buôn bán tấp nập của người Tràng An xưa, thế nhưng từ hàng chục năm nay, sông Tô Lịch chỉ còn là một kênh thoát nước thải của Hà Nội và ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Đây là dòng sông truyền thống của Thủ đô Hà Nội, tuyến sông này dài hơn 10 km, chảy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai.

Thực tế, trải qua quá trình phát triển, Hà Nội đã hình thành các hệ thống sông, hồ nối với nhau thành một chuỗi, tạo nên một hệ thống nhất, gắn liền với cấu trúc đô thị, nằm đan xen trong các khu làng đô thị, khu phố cũ và đô thị mới… Còn Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Vào mùa khô mưa ít, nước hồ bốc hơi nhiều gây nguy cơ cạn kiệt. Những hình ảnh ghi nhận giữa tháng 12 cho thấy, có rất nhiều bãi nổi ven bờ, có đoạn có thể đi bộ. Từ kết quả quan trắc mới đây cho thấy môi trường nước Hồ Tây đang bị ô nhiễm, mực nước cạn kiệt theo thời gian và hồ có thể biến thành “hồ chết” nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện.

Tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững” do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức vào dịp cuối năm 2018 đã nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành thành phố và đông đảo các nhà khoa học. Tại tọa đàm, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ. Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Trong khi đó, sông Tô Lịch đã được xếp vào danh mục các sông, hồ của Hà Nội đang cần được giải cứu khẩn cấp. Vấn đề này đã được đưa ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nỗ lực, công nghệ xử lý vẫn đang “bất lực” do mức độ ô nhiễm quá cao. Theo ông Hùng việc bổ cập nước cho sông, hồ này là hết sức cần thiết. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho Hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn và lấy nước từ sông Hồng.

Nhiều băn khoăn

 Mương Thụy Khuê - một nhánh sông Tô Lịch cũ nay là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Mương Thụy Khuê - một nhánh sông Tô Lịch cũ nay là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Liên quan đến đề xuất trên, các nhà khoa học thống nhất việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập nước cho Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch. GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Thủy lợi cho biết, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

“Phù sa giảm, quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào Hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, khó khăn là nước sông Hồng cũng ngày càng sút giảm so với trước đây. Do vậy, cần phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm”, GS Dương Thanh Lượng nói. Còn việc lấy nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, theo ông Lượng cần phải tính toán lại. Vì phương án này phải làm đường dẫn nước dài 10,5 km rất tốn kém. Cách tốt nhất theo GS Dương Thanh Lượng là lấy nước của sông Hồng bơm vào Hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch.

PGS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường đề nghị Hà Nội cố gắng làm sạch sông Tô Lịch và Hồ Tây được như “ngày xưa”. Quy trình đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây được ông Hạ đề nghị cần phải tính toán kỹ việc xử lý nước vì đây là hồ cảnh quan, khu vui chơi giải trí của người dân.

“Quy trình thay nước cần phải làm từ từ để theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Bởi nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng thì nó chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học”, PGS Trần Đức Hạ cho biết.

Tuy nhiên, Th.S Hoàng Minh Sơn, chuyên gia tư vấn Công ty CP Synetics - HBCI Group chỉ rõ, nếu chỉ bổ cập nước thì không khả thi và chưa phải giải pháp phát triển bền vững. Ông Sơn cho rằng cách này muốn phát huy hiệu quả phải xử lý được hệ thống nước thải đổ về sông, sau đó mới tính đến việc dẫn nước sạch từ nơi khác về.

Phải tách được nước thải thì mới hy vọng có sông sạch

Th.S Hoàng Minh Sơn cho biết: “Để xử lý được nước thải nên tách riêng hệ thống nước thải hiện đang đổ ra sông Tô Lịch thành hệ thống đi riêng đến nơi cần phải xử lý trong tương lai. Phía thượng lưu sông Tô Lịch gần Hồ Tây nên sau này nếu xử lý dứt điểm hệ thống nước thải thì nước sông Tô Lịch có thể lấy từ nguồn nước sạch tự nhiên như kết nối với Sông Hồng. Sau đó Hồ Tây và sông Tô Lịch có thể được kết nối để tạo thành hệ thống sông hồ hài hòa. Thêm nữa, các giai đoạn tiếp theo nếu xử lý các sông Nhuệ, sông Kim Ngưu… thì kết nối thành hệ thống”, ông Sơn cho biết. Cũng theo ông Sơn, để sông Tô Lịch luôn luôn chảy và lấy nước tự nhiên thì phải tính đến thủy văn, thủy lực, tức là phải tính toán cao độ của đáy sông, độ dốc của đáy sông, mặt cắt của lòng sông, vận tốc và lưu lượng để có sự điều tiết phù hợp bởi “nguyên tắc của con sông là phải luôn luôn chảy”.

Ông Sơn dẫn chứng, sông Tô Lịch chỉ thực sự sạch đẹp vào năm 2008 do có trận lũ lịch sử làm sạch toàn bộ hệ thống sông. Kể từ đó tới nay, hiếm có dịp sông Tô Lịch được xanh, sạch kể cả được đầu tư, cải tạo. Thi thoảng có những dịp lượng mưa tại Hà Nội lớn, lượng nước mưa đổ về sông nhiều, làm loãng nước thải thì nước sông mới trở nên xanh, trong hơn so với bình thường.

“Do vậy muốn bền vững phải có phương án cho hệ thống nước thải đổ ra sông, rồi bước tiếp theo tính toán về thủy lực thủy văn mới kết nối với sông Hồng được. Còn nếu cứ để nước thải đổ ra sông thì bùn thải phải nạo vét liên tục, bởi nước thải trong cống ra thì lượng bùn càng ngày càng lớn, mặt cắt sẽ thay đổi và sông sẽ trở thành sông chết”, ông Sơn khẳng định.

Còn GS.TS Dương Thanh Lượng đánh giá, giải pháp dùng máy bơm chìm đặt ở dưới mực nước sông Hồng để lấy nước vào Hồ Tây là rất khả thi, có thể bơm quanh năm được. Mặt khác, lấy nước sông Hồng vào Hồ Tây về mùa khô là thuận lợi nhất, vì thời điểm này hàm lượng phù sa giảm mạnh, sẽ đỡ khâu xử lý bùn cạn.

Đề xuất cải tạo 20 năm chưa thể thực hiện

GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, 20 năm trước, việc cải tạo môi trường nước Hồ Tây đã được đề xướng nhưng chưa thành hiện thực. “Hồ Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp quốc gia. Thế nhưng, 20 năm qua, ô nhiễm Hồ Tây vẫn đang tiếp diễn. Cần sớm có giải pháp triển khai để bảo vệ môi trường sinh thái của hồ chứ không thể bàn và đề xuất mãi”, GS.TS Mai Đình Yên kiến nghị.

 

Cao Tuân