23/11/2024 | 02:13 GMT+7, Hà Nội

Ba bước “hô biến” sông Tô Lịch thành sông sạch

Cập nhật lúc: 13/12/2018, 22:01

Theo chuyên gia, để biến dòng sông Tô Lịch thành dòng sông sạch, cần tách và xử lý toàn bộ lượng nước trong sông. Nước đã xử lý mới đổ ra sông và phải luôn giữ ở mức gần 2m để sông tự làm sạch.

  PGS.TS Trần Hồng Côn bên máy lọc nước “biến” nước sông Tô Lịch thành nước uống. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Trần Hồng Côn bên máy lọc nước “biến” nước sông Tô Lịch thành nước uống. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Chuyên gia hiến kế

Tại số 147 (ra ngày 8/12), Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin về đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch của Tập đoàn Phương Bắc gửi đến UBND TP Hà Nội. Việc cải tạo này được được tham khảo từ một số con sông chảy qua Thủ đô ở các nước trên thế giới, như sông Thames ở Anh, sông Seine ở Pháp. Vì vậy, theo đề xuất, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng. Nước đổ ra sông sẽ là nguồn nước sạch, nước mưa tự nhiên. Từ nền tảng nêu trên, đơn vị đề xuất sẽ xây dựng hệ thống du lịch sông Tô Lịch bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông. Giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với những “dòng sông chết” khác như: Sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác để thoát nước mưa, chống ngập cho thành phố.

PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội) - người đã có gần 20 năm theo đuổi công trình máy lọc nước và đã từng “hô biến” nước sông Tô Lịch thành nước uống, cũng hoàn toàn đồng tình với đề xuất trên.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, có 3 bước để “biến” dòng sông Tô Lịch thành dòng sông sạch: Thứ nhất, phải tách hoàn toàn hệ thống nước thải với dòng lưu trong sông; Sau đó, xử lý toàn bộ hệ thống nước đang thải vào sông Tô Lịch và nước đã xử lý này mới đổ ra sông. Khâu này bắt buộc phải làm để dòng chảy vào sông được tinh sạch. Tiếp theo là phải giữ mực nước nhất định trong lòng sông để sông tự làm sạch, có thể giữ mức nước từ 1,7 – 2m trở lên. Trong trường hợp dòng sông cạn nước, chắc chắn sông sẽ không thể tự làm sạch. Cuối cùng, công tác quản lý các dòng chảy vào sông phải luôn đảm bảo đã được xử lý. Đồng thời, không có lượng rác phát sinh từ hành động thiếu ý thức của người dân.

Lý giải về nguyên nhân dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, bản chất của dòng sông này không khác nào một cái cống lớn, phải hứng chịu nước xả thải sinh hoạt của người dân, ngày xưa, sông Tô Lịch trong xanh, có thủy sản sinh trưởng nhiều. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa phát triển khiến sông Tô Lịch ngày càng ô nhiễm. Đến nay, mức độ ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng. Bởi bao nhiêu nước thải của người dân chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu đã đổ thẳng ra sông.

Cần cả cộng đồng vào cuộc

 Để sông Tô Lịch trở thành dòng sông sạch, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ảnh: Duy Phạm

Để sông Tô Lịch trở thành dòng sông sạch, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ảnh: Duy Phạm

Sông Tô Lịch dài khoảng 13,5km, bắt nguồn từ cống Phan Đình Phùng chảy qua nhiều tuyến phố trong nội thành, rồi đổ ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, trong đó, khối lượng lớn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Vì phải gánh lượng nước thải chưa qua xử lý nên sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân ven sông.

Ngoài ra, sông Kim Ngưu vốn là một nhánh tách ra từ sông Tô Lịch, dài khoảng 4,5km, kéo dài từ cầu Kim Ngưu đến cuối địa phận phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng trong cảnh ngộ tương tự.

Vì vậy, vấn đề khắc phục cải tạo môi trường của sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu luôn được TP Hà Nội đặt ra và tìm hướng giải quyết. Nhiều chương trình, dự án về nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu đã diễn ra. Trong đó, phải kể đến kế hoạch của UBND thành phố về tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch và Kim Ngưu đã phần nào thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ, song tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn bị đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Có thể nói, đây là một trong những thực trạng đáng ngại nhất của sự hủy hoại môi trường tự nhiên. Chưa hết, do sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư, có thời điểm dọc hai bên bờ sông rác thải vứt bừa bãi, một số nơi phế thải đổ chồng chất khiến cho nước sông ô nhiễm càng nghiêm trọng. Bằng cảm quan có thể thấy, nước sông vẫn đen và bốc mùi hôi thối.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7 nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất xử lý khoảng 270.000m3/ngày đêm. Mức xử lý này chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu xử lý nước thải trên địa bàn. Còn lại khoảng 78% nước thải vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để. Nhiều nơi, nước thải phát sinh không được thu gom, xử lý, mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường, nhất là các lưu vực sông.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, sông Tô Lịch nói riêng và các dòng sông chảy qua Thủ đô nói chung luôn được coi là mạch sống của Hà Nội. Để có thể trả lại màu xanh cho các dòng sông này, ngoài những biện pháp quản lý nhà nước và tập trung cải tạo, thì rất cần sự chung tay của cộng đồng dân cư.

“Trước hết là ý thức bảo vệ môi trường phải được nâng cao hơn nữa. Trong đó, hoạt động truyền thông môi trường đóng vai trò quan trọng thông qua việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân. Tổ chức các buổi mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường, tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, thi viết, vẽ, ảnh, thi giữa các đội tuyên truyền viên chủ đề về bảo vệ môi trường sông Tô Lịch và Kim Ngưu nói riêng và bảo vệ môi trường lưu vực sông nói chung”, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho hay.

Được biết, từ những năm 90 thế kỷ trước, PGS.TS Trần Hồng Côn đã từng đề xuất cải tạo sông Tô Lịch. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề nên đề xuất đó đã đi vào lãng quên. “Bây giờ đã là thời đại 4.0, điều kiện kinh tế cũng khá hơn, nếu cải tạo được sông Tô Lịch thì đó sẽ là điều hết sức đáng mừng với thành phố Hà Nội”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay.

Bảo Loan