23/11/2024 | 15:53 GMT+7, Hà Nội

Thực hiện Nghị quyết 35: Chính sách phù hợp trong tình hình mới

Cập nhật lúc: 17/12/2020, 14:20

Từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn tới khi rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì "cú sốc" Covid-19.

Vậy, đâu là giải pháp để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp có hiệu quả trong tình hình mới? Có thể khẳng định, Nghị quyết 35 được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế với những nguyên tắc như: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...

Đặc biệt, nghị quyết đưa ra nguyên tắc mang quan điểm rất mới, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, như không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Đã có thời điểm, như năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, đã có đến 138.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, một con số cao kỷ lục.

Trong gần 5 năm triển khai Nghị quyết 35, nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất chủ động trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện cải cách thủ tục hành chính với phương châm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Điển hình như tỉnh Gia Lai, một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh này đã có hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động, vượt mục tiêu đề ra. Những cách làm hay, thiết thực của những địa phương như tỉnh Gia Lai rất cần được nhân rộng, để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết 35: Chính sách phù hợp trong tình hình mới

“Tất cả các doanh nghiệp có phản ứng hoặc các dự án có vướng mắc gì là sáng thứ 5 tôi báo Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ tịch sẽ chỉ đạo, vướng ở Sở nào thì sở đó giải quyết như thế nào, trong bao nhiêu ngày? Chúng tôi sẽ báo lại doanh nghiệp. Đây là việc tháo gỡ rất mạnh cho doanh nghiệp. Nếu Giám đốc Sở nào hứa mà không làm, chúng tôi sẽ báo lại để tìm nguyên nhân tại sao không làm, vướng ở chỗ nào để giải quyết” - ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết.

Từ 2016 đến nay, riêng về lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 6 Thông tư và 1 Quyết định về cơ chế chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đầu năm nay, ngành Ngân hàng đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến khách hàng, từ đó có những kịch bản phản ứng với những tác động.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 01 với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý rộng để tổ chức tín dụng có thể cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới đối với khách hàng. Mặc dù vậy, vẫn có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Điều này cho thấy, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là chưa đồng bộ, cần được khắc phục trong thời gian tới, bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid là yêu cầu cấp bách.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng theo tôi cần được nhìn nhận như một cấu phần trong hệ thống tổng thể các biện pháp hỗ trợ. Nếu việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp mà làm riêng lẻ mà không gắn liền với các chương trình hỗ trợ, đó là câu chuyện về đào tạo, năng lực quản trị, năng lực điều hành, là câu chuyện về thuế, đất đai, cải thiện môi trường kinh doanh thì hiệu quả giúp cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn”.

Hiện nay, những xung đột trong hệ thống pháp luật đang “bó tay, bó chân” doanh nghiệp. Cụ thể là các luật đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, đấu thầu. Khi pháp luật chồng chéo thì các địa phương và doanh nghiệp không biết thực hiện như thế nào, bởi theo luật này thì đúng, theo luật kia thì sai. Đó là rào cản lớn nhất cho sự phát triển, đặc biệt là phát triển sáng tạo. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh ngay những xung đột trong hệ thống pháp luật. Quốc hội cần dùng một luật sửa nhiều luật và chính phủ dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định.

“Các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã thúc đẩy các chủ trương, chính sách về xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được triển khai. Các cơ quan chính quyền địa phương không gây phiền nhiễu. Thứ hai là không thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Thứ ba là không hình sự hóa. Đó là những điều quan trọng cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam có niềm tin cho giai đoạn phát triển mới” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Những chính sách cụ thể cần được thực hiện có hiệu quả để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp. Những giải pháp linh hoạt, cụ thể cần được thực hiện để tháo gỡ khó khăn và hướng tới mục tiêu tiếp sức, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Quan trọng hơn là tạo niềm tin của doanh nghiệp vào một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, tạo nên một khí thế mới trong bối cảnh đầy thử thách.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương và xã hội hóa mạnh mẽ các dịch vụ công. Hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp cũng cần được giám sát chặt chẽ. Khi phát hiện, phải xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.