19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Ngân hàng có hàng loạt chính sách hướng đến tín dụng xanh

Cập nhật lúc: 13/12/2020, 08:10

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh và tiến tới một nền kinh tế cacbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, NHNN đã ban hành nhiều quy định cụ thể về tín dụng xanh.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã hình thành khung chính sách tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo đó, hàng loạt văn bản về tăng trưởng xanh đã được ban hành như Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn 2050; Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường được thông qua vào ngày 17/11/2020.

Tất cả những Quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua đều vì mục tiêu chung là tăng trưởng xanh và tiến tới một nền kinh tế cacbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Do đó, mục tiêu, nhiệm vụ về khung chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam tập trung chủ yếu vào xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tín dụng, nguồn vốn tín dụng hiện nay đóng vai trò quan trọng trong trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã xác định hướng dòng vốn của các tổ chức tín dụng vào các công trình, dự án xanh hóa trong sản xuất, tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng hoạt động tín dụng, hoạt động ngân hàng để phục vụ tăng trưởng xanh ở 3 nội dung chính, bao gồm hoạt động ban hành các văn bản về tín dụng xanh; Tạo điều kiện, phối hợp với các tổ chức quốc tế và tổ chức trong nước để tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh và ban hành nhiều quy định chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm của một ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Trong đó, một số chính sách về hoạt động ngân hàng hướng đến tín dụng xanh, phát triển bền vững cần chú ý bao gồm: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, hoạt động tín dụng cần chú ý đến vảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ngân hàng Nhà nước nỗ lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng – Tín dụng xanh. Ảnh minh họa.

Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; Tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; Yêu cầu tổ chức tín dụng tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Ngày 6/8/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1552/QĐ-NHNN, đưa ra Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính xanh nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh; Phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Theo đó, hàng loạt giải pháp được đưa ra bao gồm hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng; Phát triển các sản phẩm ngân hàng hiện đại hỗ trợ tăng trưởng xanh; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng – Tín dụng xanh.

Tại Quyết định 1731/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/8/2018, quy định về chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh đến mục tiêu nâng cao nhận thứ về vai trò, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong phát triển bền vững.

Cũng trong tháng 8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg bổ sung nội dung về tín dụng – Ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu phải tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - Xã hội; Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; Tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cacbon.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Đề án Ngân hàng xanh tại Việt Nam, đề ra mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng; Hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Ít nhất 10-20 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh về triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.