22/01/2025 | 16:54 GMT+7, Hà Nội

Thị trường khách sạn Việt Nam chuẩn bị vào “mùa gặt”

Cập nhật lúc: 20/11/2022, 13:45

Bất chấp sự chững lại của ngành địa ốc, thị trường khách sạn đang bứt tốc về giá thuê và lượng khách thuê lưu trú. Cùng với đà phục hồi của du lịch, thời điểm cuối năm được ví như "mùa gặt" của phân khúc này.

Giá khách sạn đang “leo thang”

Thị trường du lịch và nghỉ dưỡng Việt Nam đang trên đà hồi phục tích cực. Trong 10 tháng đầu năm nay, hoạt động du lịch trong nước ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 91,8 triệu lượt khách nội địa, vượt mức tổng lượt khách nội địa của cả năm 2019 là 85 triệu lượt.

Dẫu vậy, hoạt động du lịch quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng. 10 tháng năm 2022, Việt Nam mới chào đón 2,35 triệu lượt khách quốc tế, bằng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm nguồn cầu từ hai thị trường khách Trung Quốc và Nga đã làm chậm quá trình khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Mặt khác, Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đạt gần 620.000 lượt khách và chiếm 26% tổng lượt khách quốc tế. Thị trường khách Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình 51%/tháng, thu hút 82.000 lượt khách trong 10 tháng đầu năm.

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, sự phục hồi của dòng khách du lịch nội địa và gia tăng lượng khách đến từ Hàn Quốc, Ấn độ đã tác động tích cực đến thị trường khách sạn trong quý III/2022. Theo đó, thị trường khách sạn TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy phòng đạt mức bình quân 58%, tăng 19% so với quý trước. Giá phòng tăng 22% theo quý và 50% theo năm, với các khách sạn 4 - 5 sao.

Không chỉ phân khúc cao cấp, các khách sạn từ 3 sao trở xuống cũng có sự hồi phục mạnh mẽ. Giá thuê phòng phân khúc 2 - 3 sao ở các quận trung tâm tăng 10 - 20% theo quý, trong đó khách sạn 2 sao có giá 450 - 700 nghìn đồng/phòng/đêm, 3 sao trong khoảng 750 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/phòng/đêm.

Thị trường khách sạn gia tăng đón dòng khách nội địa và quốc tế. (Ảnh minh họa)
Thị trường khách sạn gia tăng đón dòng khách nội địa và quốc tế. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, ở đầu cầu phía Bắc, thị trường khách sạn Hà Nội cũng vào giai đoạn bứt tốc, lượng khách thuê phòng lưu trú ngày càng lớn, thời điểm cuối tuần nhiều khách sạn có tỷ lệ lấp đầy đạt 90 - 100%.

Cụ thể, theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội, trong quý III/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 34,1%, tăng 12,7%. Các khách sạn 2 - 4 sao tại các khu phố trung tâm phục hồi tốt. Trong quý III, lượng khách thuê tăng 30 - 50% so với cùng kỳ 2021.

Cũng theo JLL Việt Nam, ngành du lịch Hà Nội được dự báo sẽ phục hồi sớm hơn so với các tỉnh, thành phố khác do Thủ đô Hà Nội ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, công suất thuê phòng trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với TP.HCM. Dự kiến sẽ có 5.617 phòng khách sạn được bổ sung vào thị trường từ nay đến cuối năm 2025.

Theo Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Đặng Phương Hằng, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng đang phục hồi, nhiều khách sạn trong TP. Hà Nội có công suất thuê cao với sự trở lại của khách trong và ngoài nước.

Nhìn rộng hơn, khách sạn là một trong những ngành được hưởng lợi khi nhiều quốc gia mở cửa du lịch trở lại, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng không ngoại lệ. Lĩnh vực khách sạn vẫn luôn mang lại lợi suất hấp dẫn, nhờ đó thu hút đông đảo giới đầu tư. Bên cạnh đó, khách sạn còn được xem là kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát nhờ đặc tính cho thuê ngắn ngày thay vì hợp đồng thuê với thời hạn theo tháng, theo năm như các hạng mục sản phẩm bất động sản thương mại khác.

“Ngành du lịch đang nhanh chóng bùng nổ trở lại sau dịch, vì thế, khách sạn là một trong những phân khúc được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị”, chuyên gia CBRE nhận định.

Cùng với đà tăng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê, sức cạnh tranh của thị trường khách sạn cũng được dự báo ngày càng khốc liệt. Điển hình, tại TP.HCM, nguồn cung phòng khách sạn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, với 15.500 phòng đến từ 110 dự án.

Những thương hiệu khách sạn quen thuộc tại Việt Nam đang liên tục trở lại với quyết tâm mở rộng thị trường, điển hình như InterContinental Hotels Group, Marriott International, Hyatt Hotels, Accor Hotels, Wyndham Hotel Group, Best Western International... Dự kiến những tháng cuối năm, thị trường khách sạn sẽ “bùng nổ” hơn nữa về nguồn cung, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy khách sạn.

Thị trường khách sạn đang ở giai đoạn chuyển giao
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC nhìn nhận: “Có thể nói rằng ngành khách sạn đang trong giai đoạn chuyển giao. Đây là thời kỳ mà thị trường phải trải qua những khó khăn tạm thời, tuy nhiên những thách thức này đặt ra nền móng cho các cải thiện mang tính lâu dài, giúp thị trường định hình rõ ràng hơn cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý vận hành tốt hơn”.

Cũng theo chuyên gia này, hoạt động của các khu nghỉ dưỡng ven biển khôi phục chậm hơn so với kỳ vọng do vẫn còn thiếu vắng nguồn khách quốc tế. Do đó, công suất phòng khách sạn trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 40%; một số điểm đến ven biển nổi tiếng như Nha Trang - Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Nẵng thậm chí ghi nhận mức độ khôi phục thấp hơn trung bình thị trường. Trong khi đó, nhiều khách sạn tại TP.HCM và Hà Nội đang ghi nhận những cải thiện trong hoạt động kinh doanh đến từ phân khúc khách công vụ, khách lưu trú dài hạn và các đoàn khách.

Đặc biệt, MICE đang có xu hướng tăng trưởng tốt. Một số khu nghỉ dưỡng cao cấp, boutique cũng ghi nhận kết quả hoạt động khá tích cực. Điều này cho thấy những sản phẩm chất lượng, quản lý vận hành tốt vẫn có tệp khách hàng riêng ngay cả trong những giai đoạn thị trường biến động.

Giám đốc Savills Hotels APAC nói thêm rằng, sự sụt giảm nguồn cầu quốc tế chỉ là một trong những rào cản của quá trình phục hồi ngành du lịch và khách sạn. Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung khách sạn lớn tại một số địa điểm du lịch trong nước, góp phần gia tăng áp lực lên giá thuê và công suất phòng tại những thị trường này.

“Trong ba năm tới, ước tính sẽ có thêm 47.000 phòng (bao gồm dự án khách sạn và condotel) đi vào vận hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện thị trường cùng với các chính sách kiểm soát tín dụng, một phần các dự án đang triển khai này có thể sẽ bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến”, Giám đốc Savills Hotels APAC dự báo.

Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng với phân khúc khách sạn tại các khu vực ven biển do đây là những tài sản được kỳ vọng sẽ cần thêm nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì kiểm soát chi phí cho các chuyến đi công tác. Bởi vậy, sự tăng trưởng về nguồn khách sẽ hỗ trợ dòng tiền kinh doanh của khối khách sạn từng bước trở về với mức ở giai đoạn trước dịch chứ chưa thể phục hồi ngay lập tức./.

Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-khach-san-viet-nam-chuan-bi-vao-mua-gat-20201224000015955.html