20/04/2024 | 05:00 GMT+7, Hà Nội

Khách sạn, resort tại Việt Nam tăng gấp 3 lần sau 10 năm

Cập nhật lúc: 07/03/2022, 06:15

Thống kê cho thấy số dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án năm 2010 lên con số 120 vào cuối tháng 1/2022.

Thống kê của Savills Hotels cho thấy số dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án năm 2010 lên con số 120 vào cuối tháng 1/2022. Công suất phòng theo đó cũng tăng gấp 4 lần, đạt mức 32.000 phòng.

Đến nay, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã có mặt ở Việt Nam. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết nhiều chủ đầu tư và đội ngũ vận hành khách sạn đang tái khởi động kinh doanh, triển khai tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế.

Bày tỏ kỳ vọng, ông Mauro cho biết, các khách sạn với hệ thống phân phối và mạng lưới truyền thông toàn cầu có thể tận dụng lợi thế để đồng hành cùng ngành du lịch Việt Nam trong việc quảng bá và thu hút khách quốc tế quay trở lại.

Hiện nhiều dự án khách sạn cũng đang đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay thị trường dự kiến đón nhiều dự án mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động tại các điểm du lịch quen thuộc như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt...

Khách sạn, resort tại Việt Nam tăng gấp 3 lần sau 10 năm
Khách sạn, resort tại Việt Nam tăng gấp 3 lần sau 10 năm

Vừa qua, Công ty CP Vinpearl và Tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International cũng đã công bố lộ trình hợp tác chiến lược nhằm khai thác lợi thế của hai bên. Theo đó, Vinpearl sẽ chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn và khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International.

Vị chuyên gia của Savills Hotels cho rằng nếu như trước đây, các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, thì hiện nay các điểm đến du lịch đang phát triển như Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn... lại nhận được nhiều sự quan tâm.

Đối với những thị trường này, ông Mauro cho rằng sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế càng tạo đà phát triển, giúp khu vực thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và góp phần gia tăng nhận diện để trở thành điểm đến quốc tế trong tương lai.

Còn nhìn chung, xu hướng hợp tác giữa các chủ đầu tư và thương hiệu quốc tế sẽ gia tăng tính cạnh tranh cho dự án trên thị trường, cũng như mang đến tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là khách nước ngoài. Đồng thời, đơn vị quản lý cũng sẽ thông qua các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tiền khai trương để đảm bảo khả năng vận hành hiệu quả và tối ưu chi phí cho dự án.

Theo ông Mauro, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia.

"Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực”, ông nhấn mạnh.

Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam luôn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua.

Trước đó, thống kê của Savills cũng cho rằng, thị trường đã xuất hiện nhiều dự án đang được hoạch định, triển khai, xây dựng và một số thương hiệu và loại hình sản phẩm mới đi vào hoạt động. Nguồn cầu cũng gia tăng ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng lượt khách quốc tế đạt 21% (trong 11 tháng đầu năm 2018 so với 11 tháng 2017), dù giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước nhưng đây vẫn được xem là con số rất ấn tượng so với các điểm đến khác trong khu vực. Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong hai năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế được ghi nhận cao gấp ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu và gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Từ một Điểm đến mang tính trải nghiệm với ít lựa chọn về lưu trú và giải trí, thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang chuyển mình trở thành một Điểm đến Nghỉ dưỡng với sức hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo đà phát triển cho thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua không có nhiều giao dịch mua bán được thực hiện đặc biệt là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang hoạt động với nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm và các chủ sở hữu đang nắm giữ tài sản ít có nhu cầu thoái vốn.

Một trong những xu hướng nổi bật có thể kể đến là Công nghệ thông tin đã có tác động lớn đến ngành du lịch ở cả phân khúc nghỉ dưỡng và công vụ. Sự phát triển công nghệ thông tin sẽ giúp việc du lịch trở nên dễ dàng hơn với những sản phẩm mang chất lượng tốt hơn cùng với nhiều lựa chọn lưu trú khác nhau nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ và ứng dụng hỗ trợ du khách thực hiện các thao tác một cách dễ dàng. Theo các chuyên gia, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), thanh toán điện tử hay mạng xã hội đều có tác động đáng kể đến cách thức du lịch trong tương lai.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/khach-san-resort-tai-viet-nam-tang-gap-3-lan-sau-10-nam-64857.html