18/01/2025 | 19:08 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS

Cập nhật lúc: 23/01/2021, 19:00

Hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS; Hà Nội xong đồ án sơ bộ quy hoạch sông Hồng; Kiến nghị NHTM báo cáo việc bảo lãnh mua nhà là những tin chính.

Hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS

Cụ thể, UBND TP giao Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS; tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS.

Cùng với đó, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP, bảo đảm kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án BĐS có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án BĐS nhà ở cao cấp. Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TP thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

TP HCM: Hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS

Đồng thời, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.

UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch BĐS bằng tiền mặt.

UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô dưới 10 ha đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP; tham gia, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, trình UBND TP trước ngày 30/1/2021.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… theo quy định; dành quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư phát triển NƠXH theo quy định.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.

Hà Nội xong đồ án sơ bộ quy hoạch sông Hồng

Sáng 22/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Quận ủy Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, từ khi thành lập đến nay, quận Long Biên duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 15-21%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ. Năm 2004, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 34,4%, công nghiệp - xây dựng 62,38%, nông nghiệp 3,22%.

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, quận đã hoàn thành toàn diện 16/16 chỉ tiêu pháp lệnh. Đặc biệt, 9/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được hoàn thành vượt so với kế hoạch như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (329%), chỉ tiêu giảm hộ nghèo (195%), thu ngân sách (107%). 

Hà Nội xong đồ án sơ bộ quy hoạch sông Hồng

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư quận Long Biên kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phân khu N10 để sớm giải quyết được các bất cập và tiếp tục phát triển đô thị quận Long Biên đảm bảo theo định hướng quy hoạch chung thủ đô. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6) để khai thác hiệu quả quỹ đất vùng bãi. 

Ngoài ra, quận Long Biên cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án trên địa bàn. Đáng chú ý có dự án cầu Trần Hưng Đạo nhằm giảm tải, chống ùn tắc cho cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy; Dự án cầu Giang Biên nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, nối từ phố Chu Huy Mân qua sông Đuống sang địa phận xã Dương Hà - Gia Lâm...

Giải đáp một số kiến nghị, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch sông Đuống đã được gửi lên UBND thành phố. Quy hoạch sông Hồng cũng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND thành phố xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ NN&PTNT. Sau đó, Ban cán sự Đảng UBND thành phố phối hợp với các Ban cán sự các Bộ có liên quan để xem xét, cho ý kiến, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đồng tình với các kiến nghị của quận về giải quyết vấn đề xử lý thoát nước trên địa bàn. Theo ông Phong, quận Long Biên được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đuống, việc thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống cống tự chảy qua sông Cầu Bây, cống Xuân Quan về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Theo đó, Ông Phong cho rằng, theo quy hoạch trên địa bàn quận có 3 nhà máy xử lý nước thải. Sở đồng ý với quận về việc thực hiện ngay một số dự án thoát nước động lực trên địa bàn. Thành phố đã giao Ban QLDA cấp thoát nước và môi trường thành phố chuẩn bị 2 dự án trên địa bàn. Một là dự án cải thiện xử lý nước thải Long Biên và Gia Lâm, nguồn vốn đầu tư công khoảng 7.600 tỷ đồng. Hai là dự án trạm bơm Thượng Thanh và hồ điều hòa Thượng Thanh cùng với hệ thống kênh dẫn khoảng 775 tỷ đồng. “Thành phố đã giao nhiệm vụ, Ban QLDA đã đưa vào các công trình đầu tư công trung hạn 2021 - 2025”, ông Phong nói.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) khẳng định, trên dưới 60% sản phẩm thị trường hiện nay là sản phẩm cao cấp và điều đó là không bình thường khi mà sản phẩm nhà ở thương mại giá thấp chỉ chiếm 1% (với 163 căn).

Với số liệu nguồn cung 163 căn nhà ở giá rẻ, HoREA báo cáo chiếm 1% trong tổng số nguồn cung nhà đất năm 2020 của các dự án BĐS toàn TP Hồ Chí Minh, trong khi Sở Xây dựng TP lại có kết quả báo cáo là 1,2%. Giải thích về sự khác biệt này, ông Châu cho biết, Sở Xây dựng tổng hợp trong 11 tháng, còn Hiệp hội tổng hợp đủ 12 tháng (năm 2020). Khi số tháng nhiều hơn sẽ kéo theo tổng số căn hộ nhiều hơn, trong khi 163 căn nhà ở thương mại giá thấp không thay đổi, thì đương nhiên tỷ lệ của phân khúc này phải giảm xuống.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Theo ông Châu, để hồi phục thị trường bất động sản, không còn cách nào khác ngoài việc phải điều chỉnh hợp lý giữa các phân khúc, hướng đến phục vụ nhu cẩu thật có khả năng thanh toán. Từ đó, đảm bảo tính thanh khoản giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển...và nhu cầu thực của người dân được thấu hiểu, chia sẻ.

Xác định mục tiêu phát triển nhà ở diện tích nhỏ, nhà ở bình dân… là mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh, từ trước đến nay chưa bao giờ Nhà nước ép doanh nghiệp làm nhà ở thương mại giá thấp. Các doanh nghiệp được quyền lựa chọn phân khúc phù hợp để kinh doanh, và điều đó được Nhà nước tôn trọng.

Đồng thời, ông Châu khẳng định, không ép doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp gặp khó thì Nhà nước “dang tay” để hỗ trợ. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”, trong đó, có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 5%/năm, hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cho người mua nhà ở xã hội và cả người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng.

Đồng thời cho phép các dự án nhà ở thương mại được chia nhỏ căn hộ, hoặc được chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội. Nhờ có sự hỗ trợ này của Nhà nước, đã thực hiện được đồng thời 3 mục tiêu: có 56.180 người tạo lập được nhà ở; giải quyết được 56.180 căn nhà là hàng tồn kho BĐS; giải quyết được một phần quan trọng nợ xấu BĐS, là nhân tố quan trọng giúp cho thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại kể từ đầu năm 2014 cho đến nay.

Căn cứ trên những ưu đãi này, HoREA tính toán có thể làm được nhà ở thương mại giá thấp với giá bán 25 triệu đồng/m2 tại TP Hồ Chí Minh.

“Trăn trở lớn nhất hiện nay trong đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp là tình trạng đầu cơ, mua qua bán lại để hưởng lợi nhuận chênh lệch Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần phải cơ chế khống chế giá bán, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đưa sản phẩm đến tay người dân có nhu cầu ở thực”, ông Châu nói.

“Đô thị trong đô thị” là xu hướng của tương lai

Liên quan đến vấn đề này, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần”.

Cũng theo đơn vị nghiên cứu quốc tế này, mô hình “đô thị tích hợp”, “bất động sản tích hợp” ngày càng phổ biến do các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua, bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.

“Đô thị trong đô thị” là xu hướng của tương lai

Cụ thể, trong 4 năm qua, số lượng các dự án đã tăng lên đáng kể trong thị trường nhà ở Việt Nam. Thay vì tập trung tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM, các dự án tích hợp quy mô lớn đang có xu hướng mở rộng sang các tỉnh, thành vệ tinh.

Một chuyên gia phân tích, việc các dự án phức hợp có xu hướng “rời” trung tâm là điều tất yếu. Do quỹ đất cạn kiệt, các đơn vị phát triển ngày càng khó tìm được một quỹ đất đủ lớn để phát triển mô hình tích hợp tại các khu vực trung tâm.

Theo ghi nhận của JLL, một dự án nên có diện tích từ 5ha trở lên mới đảm bảo không gian cho các tiện ích được tích hợp. Hơn nữa, các khu vực mới thường có quy hoạch mở hơn, giúp các nhà phát triển linh hoạt trong việc quy hoạch và thiết kế, nhằm mang đến không gian sống tối ưu cho cư dân.

Trong tương lai, JLL dự đoán, hầu hết các dự án “đô thị” sẽ được phát triển ở vùng ngoại ô, nơi quỹ đất còn tương đối dồi dào và khi mà khoảng cách đến trung tâm thành phố sẽ không còn là mối bận tâm lớn do sự phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng.

Chuyên gia JLL cho biết thêm, điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau, từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư. Mặc dù vậy, mỗi tòa nhà nên được thiết kế tùy chỉnh cho mỗi nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể  trên cơ sở hài hòa chung với môi trường sống tổng thể.

Kiến nghị NHTM báo cáo việc bảo lãnh mua nhà

UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiến nghị về bảo lãnh giao dịch nhà ở trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và báo cáo tình hình thực hiện "đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở và bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" và việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cũng như hạn chế rủi ro cho người mua nhà, UBND TPHCM kiến nghị Thống đốc NHNN nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 07/2015 và Thông tư 13/2017 của NHNN về chế độ báo cáo và xử phạt vi phạm hành chính.

Kiến nghị NHTM báo cáo việc bảo lãnh mua nhà

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, TPHCM đề nghị NHNN có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai báo cáo số liệu của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-han-che-tin-dung-cho-dau-tu-bds-cao-cap-bds-du-lich-nghi-duong-va-dau-co-bds-20201231000000498.html