Thị trường giá cả năm 2020 còn nhiều biến động
Cập nhật lúc: 31/01/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 31/01/2020, 07:20
Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2019 là một năm có nhiều thành tích trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và kiềm chế lạm phát ở nước ta. Điều này được nhận định bởi chính các tổ chức kinh tế thế giới: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo chiều hướng đi lên sau khi nhìn thấy những yếu tố tích cực đáng ghi nhận.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, điều mà mọi người rất quan tâm đó là ngoài chỉ tiêu GDP thì lạm phát (CPI) là một trong những chỉ tiêu quan trọng thể hiện sức khỏe và sự ổn định của nền kinh tế. CPI cả năm 2019 đạt mức 2,7 – 2,8% thì đó là một mức thấp nhất trong 3 năm qua. Kinh tế Việt Nam vừa đạt được tăng trưởng cao, vừa kiềm chế được lạm phát, đây là một thẳng lợi kép trong năm nay.
“Kế hoạch năm 2019 đã qua là một dịp tốt để chúng ta nhìn lại một năm của thị trường bán lẻ Việt Nam với những sự kiện đầy biến động và nhiều điểm mới bất ngờ so với năm 2018 và những năm trước đây. Vấn đề đầu ra của hàng hóa sản xuất trong nước được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam như thế nào? Sự cạnh tranh giữa các hệ thống phân phối trong và ngoài nước, giữa kênh bán hàng truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại đều được bộc lộ một cách đầy đủ trong năm vừa qua”, ông Phú nói.
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2019 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và có những đột biến về rất nhiều mặt. Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của kênh bán hàng hiện đại bao gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với tốc độ 21,5% so với năm 2018. Trong năm nay cũng chứng kiến sự sa sút và tăng trưởng chậm lại của kênh bán lẻ truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ ở thị trường Việt Nam.
Năm 2019 cũng là năm trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt nhằm hợp tác tạo nên sức mạnh để dành lại ưu thế kênh phân phối ở sân nhà. Năm 2019 còn chứng kiến sự cạnh tranh tiếp tục giữa các kênh bán lẻ hiện đại và kênh truyền thống, giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng năm 2019 đạt mức 4481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Còn nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng 9,3%. Riêng lĩnh vực bán lẻ đạt 3400,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,9% trong tổng mức chung hàng hóa và dịch vụ. Bán lẻ đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, ông Phú còn cho rằng, 2019 là một năm mang dấu ấn về những động thái tích cực của Chính Phủ và các bộ ngành làm cho nguồn cung hàng hóa trong nước và xuất khẩu phát triển nhưng ở mức cao hơn, chất lượng hơn, giảm chi phí hơn. Hàng loạt các chính sách về phát triển sản xuất đã được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người sản xuất và phục vụ cho bán lẻ trong nước và xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.
Nhiều chuỗi liên kết, chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối đã được thiết lập, trong năm qua, con đường đi của hàng hóa từ sản xuất tới bán lẻ đã được rút ngắn hơn, bớt những trung gian không cần thiết. Hàng loạt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chế độ hạch toán chi phí sản xuất và lưu thông cũng đã được tháo gỡ một phần. Nhiều xu hướng phát triển của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh doanh và phục vụ tiêu dùng xã hội.
Những kết quả thu được của ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2019 khẳng định ngành này vẫn là một trong những trụ cột quan trọng góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy sản xuất và phục vụ cho tiêu dùng xã hội.
Về dự báo thị trường giá cả trong năm 2020, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, ngay từ những ngày cuối năm 2019, Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính và Tổng cục Thống kê đã đưa ra hai kịch bản về CPI với 1 mức khá cao, một kịch bản dưới 4% và một kịch bản trên 4%. Hai cơ quan đưa ra kịch bản này với những lý do cụ thể như CPI ngay trong quý I/2020 có thể đạt đến mức 4%, do yếu tố của giá thịt lợn và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao trong dịp Tết Canh Tý.
Sức ép tăng giá trong năm tới còn phụ thuộc bởi một số yếu tố có những biến động bất thường như giá xăng dầu, giá gas… đồng thời cũng có đề nghị Chính Phủ trong quý I/2020 chưa điều chỉnh giá bất kỳ một loại giá dịch vụ nào do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục.
Về phía Chính phủ cũng nhận định, việc điều hành giá trong năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban chỉ đạo nhà nước về giá cũng mạnh dạn đề ra mức phấn đấu từ 3,59 đến 3,91 để trình Chính phủ và Quốc Hội. Điều hành giá trên nguyên tắc theo yêu cầu của thị trường và cung cầu của hàng hóa từng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Phú muốn thực hiện được chỉ tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị dưới mức 4% trong năm 2020 cần phải có những giải pháp như: Tiếp tục cải cách thể chế kinh doanh, xây dựng một môi trường phát triển kinh tế công khai minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường, nhà nước cần coi các doanh nghiệp là tế bào quan trọng nhất của xã hội, vì doanh nghiệp mà phục vụ chứ không phải theo cơ chế xin cho. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo nhanh và bền vững. Phân bổ nguồn lực đất nước một cách hợp lý, đúng địa chỉ và hiệu quả. Phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nuôi dưỡng và khơi dậy sức dân cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Phát triển kinh tế xã hội ở tầm vĩ mô đi đôi với phát triển sản xuất và củng cố hệ thống phân phối, đảm bảo không để mất thị trường nội địa như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết chống tham nhũng lãng phí, thực hiện kỷ cương xã hội nghiêm minh, xây dựng một xã hội lành mạnh liêm chính trong những năm sắp tới.
“Làm tốt được những vấn đề nêu trên, chính là góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và kiềm chế lạm phát trong năm 2020 và những năm tiếp theo”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.
06:00, 30/01/2020
08:07, 23/01/2020
07:20, 22/01/2020