22/11/2024 | 06:20 GMT+7, Hà Nội

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Triển vọng và nút thắt

Cập nhật lúc: 22/01/2020, 07:20

Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường phát triển ổn định nhất khu vực Ðông Nam Á.

Có thể khẳng định như vậy là bởi Ðông Nam Á đã từng chứng kiến sự sụp đổ khiến thị trường ngừng hoạt động trong gần chục năm như tại Indonesia hay Thái Lan và cũng không ít lần mất ổn định trầm trọng khiến các ngân hàng trung ương phải cấp cứu…

TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam dù có những thời điểm giá xuống thấp, nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định từ khi thành lập cho đến nay. Ðiều này phản ánh ba vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có lòng tin khá vững chắc vào tiềm năng phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam ngay từ khi thị trường chứng khoán ra đời. Ðiều này đã tạo ra lực lượng đầu tư ổn định, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài là “khu vực đệm” cho tính ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, quản lý nhà nước ghi nhận nhiều ưu điểm đáng khích lệ kể từ khi có thị trường chứng khoán.

Ví dụ, chúng ta chưa từng gặp cú sốc về ngân hàng hay tài chính có sức lan toả, ảnh hưởng đến mức gây sụp đổ thị trường chứng khoán, cho dù có những lúc làm cho thị trường này giảm giá. Những cú sốc lớn như Thái Lan thập kỷ 1980 hay một số nước tại khu vực Ðông Nam Á vào năm 1997 chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng chưa có những cú sốc lan toả từ thị trường bất động sản sang các thị trường tài sản khác, đặc biệt là hệ thống ngân hàng.

Mặc dù có những giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng, bong bóng, nhưng với các biện pháp xử lý linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, thị trường chứng khoán nhanh chóng được ổn định trở lại.

Ngoài ra, các chính sách về thuế, đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ tạo thông thoáng hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Ðiều này khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ và chúng ta kiểm soát việc mở rộng quy mô tương đối tốt thông qua các quy định về kiểm toán, báo cáo tài chính, về mức giá sàn, trần, về giám sát thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Bên cạnh đó là quy định về hoạt động của các công ty chứng khoán đều đã được cải thiện theo lộ trình của Ðề án tái cơ cấu thị trường tài chính - chứng khoán, nhờ đó hạn chế khá hiệu quả những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Những vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh những yếu tố tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề, mà chúng ta đang kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi có thể khắc phục được một phần.

Trước hết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa phải là cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ để có được một công suất nghiên cứu và một tầm nhìn rộng lớn tới toàn bộ kinh tế vĩ mô cho các loại thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tiền tệ.

Cũng do chưa được độc lập nên Ủy ban Chứng khoán không có đủ nền tảng tài chính để đầu tư phát triển năng lực thể chế, như đầu tư vào công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống giám sát từ xa, hay đầu tư để hoàn thiện các công cụ giúp thị trường minh bạch và hiệu quả hơn.

Tiếp đó là câu chuyện thiếu vắng những tên tuổi lớn, trong khi nhiều tổng công ty, tập đoàn quy mô hiện đang là doanh nghiệp nhà nước đã và đang cổ phần hoá, nhưng chưa trở thành trụ cột trên sàn chứng khoán.

Chính vì vậy, giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ðây là một trong những đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xét về độ mở cửa nền kinh tế, Việt Nam hiện xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Hồng Kông và Singapore. Ðây là rủi ro lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và cũng vì thế khiến cho cổ phiếu Việt Nam trở nên rủi ro hơn.

Ðồng thời, sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô cũng chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, nhất là giữa ba thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Nhiều thời điểm có những tác động chéo, chưa được kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự tác động qua lại giữa các thị trường này là rất lớn.

Hiện tại, Việt Nam chưa chứng khoán hoá các loại nợ và thị trường phái sinh đang phát triển ở mức độ vừa phải nên rủi ro đối với thị trường chứng khoán chưa lớn. Nhưng khi các thị trường trái phiếu, tiền tệ, phái sinh phát triển mạnh và công cụ tài chính phong phú hơn, việc kiểm soát sẽ trở nên rất khó khăn.

Cuối cùng, cần phát triển các định chế hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Đó là các công ty xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán lớn mạnh, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư rủi ro, các công ty tạo lập thị trường.

Ðây là những định chế không những hỗ trợ thị trường phát triển vững chắc, mà còn đặc biệt quan trọng trong việc làm minh bạch hơn thị trường, khắc phục được tình trạng thông tin bất cân xứng, thiếu hụt thông tin và hạn chế được tâm lý đầu tư theo đám đông.

Những khuyến nghị

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Theo đó, Luật Chứng khoán mới cần được xây dựng theo hướng tiệm cận gần với thông lệ quốc tế ở cả cấp quản lý là Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan giám sát, đặc biệt là quy chế giao dịch.

Hai là, tăng cường tính công khai, minh bạch và sử dụng lực lượng thị trường để tạo lập thị trường, ví dụ như những công ty tạo lập thị trường, quỹ đầu tư rủi ro, quỹ đầu tư phòng vệ, công ty xếp hạng tín nhiệm và hệ thống kiểm toán.

Ba là, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và lựa chọn những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng cường lực lượng hàng hoá có chất lượng, làm trụ cột cho thị trường phát triển ổn định.

Thứ tư là, đầu tư thoả đáng vào công tác nghiên cứu và phát triển vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ thanh toán và giao dịch phù hợp với cách mạng 4.0.

Năm là, tăng cường công tác giám sát thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường phái sinh. Thị trường chứng khoán phái sinh có nguy cơ rất lớn trên toàn cầu, bởi tốc độ tăng rất nhanh, trên dưới 50%/năm, khiến cho tài sản ảo trên thị trường tài chính rất lớn và vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan giám sát chứng khoán.

Ðó là chưa kể rủi ro liên quan đến lãi suất và tỷ giá hối đoái đối với thị trường phái sinh cũng tăng tới 50 - 60%/năm.

Ðây là một khó khăn lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải cảnh giác và có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát.

Tóm lại, nếu chúng ta thực hiện được đồng bộ các giải pháp, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, TTCK Việt Nam có một tiềm năng phát triển vững chắc và trở thành một trong những kênh huy động vốn dài hạn ngày càng có ý nghĩa đối với phát triển doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.