19/01/2025 | 02:30 GMT+7, Hà Nội

Những sai lầm phổ biến thường ngăn cản việc hoàn thành mục tiêu tài chính

Cập nhật lúc: 10/11/2019, 17:00

Nếu bạn đang thất vọng với bản thân bởi khả năng hoàn thành mục tiêu tiết kiệm tiền bạc kém cỏi thì bạn không đơn độc. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 26% dân văn phòng cảm thấy đã hoàn thành những nhiệm vụ tự đặt ra.


Bạn thường cảm thấy mình đã nỗ lực và cố gắng nhưng cuối cùng lại không đạt được bất cứ kết quả nào đáng kể. Tất nhiên, cuộc sống không phải là một phần mềm đã được lập trình và mọi dự tính đều sẽ chính xác như kế hoạch nhưng hầu hết chúng ta đều muốn cảm thấy bản thân có khả năng kiểm soát tốt và hiệu quả các mục tiêu tài chính và giải quyết những vấn đề quan trọng.

Trong cuộc sống, đặt mục tiêu luôn là một ý tưởng tuyệt vời bởi nhìn chung, một mục tiêu cụ thể, thực tế giúp tăng sức mạnh ý chí và cơ hội thành công của bạn. Quản lý tài chính cá nhân là một phần của cuộc sống thường nhật và cũng không là một ngoại lệ, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của yếu tố trách nhiệm trong việc quản lý tài chính cá nhân. Trong thế giới tài chính, nếu muốn thành công, bạn nhất định phải tự tạo áp lực, tăng tinh thần trách nhiệm cho bản thân và việc đặt mục tiêu là một phương án tuyệt vời để thực hiện điều đó. Ví dụ nếu bạn có mục tiêu dài hạn trong một năm tới, hãy kiểm tra và tự đánh giá 3 tháng 1 lần; điều này sẽ thúc đẩy tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của bạn.

Để có thể xây dựng được mục tiêu tài chính cho bản thân, trước hết bạn cần phải nắm rõ tình hình kinh tế hiện tại của mình. Sau đó, hãy xem xét những kế hoạch cả ngắn hạn và dài hạn để cân nhắc đâu là điều bạn đang muốn hoàn thành nhất. Những mục tiêu tài chính bạn sắp đặt ra sẽ dựa trên những ưu tiên này: Đánh giá tình hình tài chính hiện tại của bản thân, tìm cách cắt giảm bớt chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu để tiết kiệm nhiều hơn cho kế hoạch tài chính của bạn, xác định những điều bạn cần và muốn trong tương lai, lựa chọn những mục tiêu giúp bạn hiện thực hoá kế hoạch của mình, đặt ra một ngân sách cho kế hoạch tài chính cá nhân,….

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bạn có biết vì sao tài chính cá nhân của mình không bao giờ bền vững bất chấp thu nhập ổn định?

Bước đầu tiên trong việc xây dựng những thói quen tốt là hiểu được các sai lầm phổ biến thường ngăn cản chúng ta tập trung và hoàn thành mục tiêu tiết kiệm. Dưới đây là 5 lỗi do các chuyên của Havard liệt kê:

1. Đánh giá quá cao khả năng tiết kiệm và thu nhập bản thân

Vô số hướng dẫn và lời khuyên từ bạn bè và tài liệu, tư duy chiến lược tài chính, thu nhập ổn định và cảm giác tiết kiệm nhất thời rất dễ dàng khiến bạn lạc quan tin rằng bạn sẽ có được một số tiền tiết kiệm nhất định vào thời điểm nào đó.

Tuy nhiên, đối với nhiều người trong chúng ta, những chi phí vụn vặt không đáng kể như ăn uống bên ngoài, quần áo, phụ kiện đã chiếm một phần đáng kể nguồn thu nhập chính trong khi bạn hiếm khi nhớ ra toàn bộ những gì mình từng chi tiêu.

Dữ liệu tổng hợp từ ứng dụng theo dõi thời gian RescueTime cho thấy mỗi người chỉ có khoảng 1 giờ 12 phút thời gian có thể tập trung trong một ngày.

Với thời gian tập trung bị giới hạn và quá nhiều thông tin làm nhiễu, bạn nên xác định những gì cần ưu tiên và những gì nên loại bỏ khỏi danh sách chi tiêu. Khi có sẵn 60 - 90 phút, hãy cố gắng tập trung vào các mục tiêu lớn hơn để tăng thêm thu nhập thay vì tự tin vào những gì sẵn có.

Cũng cần nhớ rằng ngay cả những mục tiêu tài chính lớn như mua một chiếc xe hơi, một ngôi nhà mới đều có những bước khởi động đơn giản như bỏ ra một số tiền nhỏ mỗi ngày. Để tránh bị xao lãng bởi các sở thích cá nhân tức thời, hãy giữ lại mọi hóa đơn mua sắm để biết bản thân đã lãng phí tiền bạc vào những gì.

2. Xem nhẹ các phương pháp đã được chứng minh có vẻ quá nhàm chán hoặc đơn giản

Nếu bạn là một độc giả trung thành của thể loại sách self-help, bạn có thể đã quen với nhiều khái niệm cốt lõi từ tâm lý học nhận thức - hành vi đến chiến lược - tư duy tài chính vĩ mô.

Chẳng hạn, nếu bạn hình thành ý định tiết kiệm thì bạn có thể theo dõi tình hình tiền bạc cẩn thận hơn. Điều này cũng thôi thúc bạn lập kế hoạch và cách vượt qua các trở ngại.

Tương tự như vậy, bạn có thể đã đọc về việc chi tiêu ít hơn và lối sống tối giản không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền bạc mà còn giảm căng thẳng, đem lại sự cân bằng nội tâm. Và bạn có thể cũng biết rằng khi bạn thực hiện bất kỳ mục tiêu nhỏ nào như bớt một cốc cà phê Starbuck vào đầu buổi sáng, động lực tiết kiệm của bạn sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, mỗi khi bạn thấy những điều này, bạn vô thức coi chúng là những tin tức cũ, ngay cả khi bạn từng thực hiện hoặc thử áp dụng trước đó.

Nếu bạn muốn cảm thấy bản thân mình đặc biệt hơn hoặc là duy nhất, bạn có thể cho rằng những giải pháp đơn giản và phổ biến đó không phù hợp với mình và chẳng có tác dụng bởi nó quá đại trà cho số đông.

Đây là một cái bẫy tâm lí. Hãy chắc chắn rằng bạn đang áp dụng các chiến lược nhàm chán nhưng cơ bản, dễ dàng và đã được chứng minh này để tiết kiệm tiền theo mọi cách có thể. Các chuyên gia kinh tế của Havard khẳng định rằng thực hiện một cách sáng tạo những ý tưởng đơn giản tốt hơn nhiều so với việc tìm kiếm những ý tưởng phức tạp.

3. "Thay đổi tất cả hoặc không gì cả"

Chúng ta thường nghi ngờ rằng việc thay đổi một thói quen nhất định có thể cải thiện đáng kể khả năng tiết kiệm và tình hình tài chính nhưng trở ngại tâm lý luôn chiến thắng. Chẳng hạn, bạn tin rằng giảm bớt mua sắm quần áo trong vòng một tháng sẽ tiết kiệm cho mình hàng trăm USD nhưng vì bạn là một con nghiện mua sắm, điều này dường như trở nên bất khả thi.

Thay vì kiên trì với những thử thách đi ngược lại sở thích cá nhân, hãy tìm kiếm những thay đổi mà bạn sẵn sàng thực hiện mà không cảm thấy phải đối mặt với một vấn đề quá lớn. Tắt các thiết bị điện mỗi khi ra khỏi nhà, chọn mua các loại thiết bị tiết kiệm nhiên liệu hay mua bữa trưa có giá thấp hơn có thể giúp bạn dễ dàng thay đổi thói quen chi tiêu ban đầu.

Đạt được một số thành quả ban đầu dễ dàng mà không kích hoạt bản năng chống đối sẽ khiến bạn sẵn sàng thực hiện các thay đổi khác lớn hơn, phức tạp hơn.

4. Không biết cách thực hiện những việc đơn giản

Nếu bạn thực hiện một công việc nào đó hàng ngày, bạn sẽ cần một quy trình hiệu quả để hoàn thành nó, ngay cả với những việc nhà đơn giản. Nếu bạn chỉ đơn thuần làm mọi thứ như cũ, bạn sẽ không bao giờ biết được một quy trình chuẩn xác sẽ tiết kiệm được những gì.

Trong cuốn sách The Healthy Mind Toolkit, tác giả Alice Boyes đã viết rằng mỗi lần làm sạch máy in, bà sẽ dành ít nhất 10 phút để tìm các hướng dẫn trực tuyến về cách thực hiện.

Nhờ làm sạch máy in một cách hiệu quả, bà không những tiết kiệm được thời gian vệ sinh máy trong thời gian dài mà còn tăng tuổi thọ cho máy, giảm thiểu số mực bị hao phí và những thay đổi nho nhỏ như vậy với việc rửa chén bát hay lau dọn nhà cửa cũng có tác động tương tự.

Sau khi hoàn thành bất kì quy trình nào, hãy viết lại một bản hướng dẫn đầy đủ để chia sẻ với mọi người hoặc cho chính bản thân.

5. Đánh giá thấp chi phí của thời gian bị lãng phí

Dành một chút thời gian hàng ngày cho các mục tiêu lớn, quan trọng nhưng không cấp bách hay cải thiện kĩ năng cá nhân đem lại hiệu quả to lớn hơn nhiều so với lãng phí thời gian cho những thứ vô ích.

Trên thực tế, rò rỉ thời gian và năng lượng có tác động tiêu cực gấp hàng trăm lần so với tưởng tượng của bạn. 10 phút bạn dành để tìm kiếm chìa khóa hay nhắn tin tán gẫu có vẻ không mấy quan trọng.

Tuy nhiên, những hoạt động này làm gián đoạn dòng chảy thông tin trong đầu bạn, củng cố ý thức tiêu cực về bản thân và làm hao tổn năng lượng của bạn. Khi bạn xây dựng các hệ thống tối ưu như giảm các quyết định không cần thiết, hợp lý hóa và đơn giản hóa các thao tác, thuê ngoài những công việc vặt để giải quyết rò rỉ thời gian và năng lượng, bạn sẽ cảm nhận được lợi ích tài chính rõ ràng từ những nỗ lực này.

Dù các mẹo trong bài viết này chưa thể là giải pháp toàn diện cho vấn đề về tiết kiệm và khó khăn tài chính của bạn, chúng có thể tạo cho bạn triển vọng tốt hơn để hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất.