Thay đổi thói quen học sinh bọc sách vở bằng nilon: Đã đến lúc doanh nghiệp cần hành động
Cập nhật lúc: 18/06/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 18/06/2019, 07:01
Vừa qua, chúng tôi có đăng tải bài viết “Hàng trăm triệu bao nilon được sản xuất chỉ để bọc sách vở một lần rồi vứt” đã chỉ rõ sự báo động về số lượng bao nilon bọc sách vở thải ra môi trường hàng năm đáng báo động như thế nào. Những sản phẩm này từng được nhiều người khuyến khích nên hầu hết học sinh cấp 1, 2 trên khắp cả nước đều ưa chuộng sử dụng nó hàng ngày như một công cụ tiện ích của thời đại – giúp sách vở luôn như mới.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, ban đầu họ nghe thì thấy mục đích rất tốt, đáng để “rút hầu bao” mua cho con dùng, nhưng đằng sau sự hữu ích và hiện đại đó chính là tác nhân gây nên những nguy hại cực lớn tới môi trường sống hiện nay. Cụ thể, hàng triệu động vật trên biển chết do ăn phải rác thải nhựa hàng năm; mối nguy hại từ các "đảo rác" hình thành ở các đại dương hay còn được biết đến như “Lục địa thứ bảy"; nguồn nước ngầm đang dần bị ô nhiễm do chất thải chôn dưới lòng đất…
Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa được chôn xuống đất sẽ tồn tại hàng trăm nghìn năm, gây xói mòn và làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng; ngăn cản oxi đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển…
Nhận thấy sự nguy hại đó, gần đây, các đơn vị, sở, ban, ngành,… đã tổ chức các hoạt động kêu gọi “hãy nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần”. Lời kêu gọi đã nhận được ngày càng nhiều hồi đáp tích cực từ các cá nhân, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp, nhãn hàng từ nhỏ đến lớn. Điển hình như: Comfort, Sunlight, Love Beauty and Planet thuộc tập đoàn Unilever sử dụng 100% nhựa tái chế thay nhựa nguyên sinh cho bao bì sản phẩm; Lotte Mart thay bao nilon bọc sản phẩm bằng lá chuối, hộp bã mía; các quán cà phê hay hãng trà sữa thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre/inox/cỏ bàng; Cocacola thu gom và tái chế toàn bộ lượng chai và lon đã bán ra…
Những hành động đó đã nhận được lời khen ngợi từ Chính Phủ và sự ủng độ đồng tình của người tiêu dùng. Điều này nói lên rằng, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì họ không chỉ cần làm tốt phần mình còn phải đồng hành cùng người tiêu dùng và xã hội. Vậy nên thay đổi cốt lõi sản phẩm của mình thôi chưa đủ, doanh nghiệp xanh còn cần có những hành động mang tính tuyên truyền lối sống xanh, định hướng hành vi xanh đến người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp sản xuất nilon bọc sách vở như Hồng Hà, Kokuyo Việt Nam,… và nhiều cơ sở sản xuất nilon nhỏ lẻ nên có những hành động thiết thực để ngăn chặn việc hàng năm có vài trăm triệu bao nilon bọc sách vở bị thải ra môi trường mà do chính họ vẫn sản xuất mỗi ngày.
Theo nghiên cứu, một chiếc túi nilon chỉ mất 5 giây để sản xuất, sử dụng trong 5 phút để vứt bỏ, nhưng phải mất 500 – 1.000 năm mới phân hủy. Như vậy, rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, ảnh hưởng đến đời sống của con người và các sinh vật.
Theo TS. Nguyễn Phương Đông, Giảng viên khoa Môi trường của trường Đại học Mỏ - Địa chất, rác thải nhựa có hai loại, tái chế và không tái chế. Hiện nay, phương pháp xử lý là đốt và chôn lấp. Thông thường, Việt Nam hay nước ngoài thì đều sử dụng hình thức chôn lấp để trộn lẫn rác thải rắn nhưng phương pháp này không chỉ tốn diện tích mà trong quá trình phân hủy nó sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước ngầm.
“Cách xử lý thứ ba là tái chế thu hồi. Việt Nam thì hay sử dụng cách thủ công với công nghệ thô sơ nên khả năng tái chế thu hồi chất thải, khí thải trong quá trình tái chế nhựa không đạt hiệu xuất cao khiến cho nhiều chất thải độc hại ngấm vào đất, nước, không khí,… gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường sống”, TS. Đông nói.
Chúng ta đều biết, việc đầu tư các nhà máy xử lý thác thải hay các bãi chôn lấp tốn diện tích, đầu tư công nghệ cao để xử lý rác thải nhựa thì lại rất tốn kém về tài chính. Do vậy, rác thải nhựa hay được thải trực tiếp ra biển, nên 70-80% là của biển hiện nay là từ đất liền trôi ra biển. Ngay ở những nước lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan cũng đang gặp phải vấn đề này và họ cũng phải tính toán chi phí xử lý rác thải sao cho hiệu quả nhất.
Trong khi, rác thải nhựa không có khả năng tự phân hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi. Nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới phân hủy được.
Ngoài ra, TS. Đông cũng chỉ ra tác hại của việc sản xuất nilon bọc sách vở hay những rác thải nhựa khác giống như một chu trình thức ăn. Khi nhựa được thải ra môi trường > phân hủy thành hạt nhựa > bị động vật ăn phải > con người ăn thịt động vật > con người lại thải nhựa ra môi trường…
“Do vậy, để hạn chế được vấn đề này chúng ta có một cách hiệu quả và tốn ít kinh phí nhất đó là thay đổi thói quen dùng đồ nhựa. Các doanh nghiệp sản xuất nilon bọc sách vở nên đổi sang sản xuất những mẫu mã thân thiện với môi trường hơn; các bậc phụ huynh cũng nên hạn chế dần thói quen tiện dụng dùng đồ nhựa… Vì hành động này chính là chúng ta tự cứu lấy mình và thế hệ mai sau”, TS. Đông nhấn mạnh.
Lời khuyên của TS. Đông cũng giống như lời kêu gọi trong dự án “Nói không với bọc vở nilon” của 170 bạn nhỏ và 30 thầy cô trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội thời gian qua. Tại hội trại “Học sinh tiêu biểu lớp 5”, các bạn nhỏ ở đã trình bày quan điểm và mong muốn hạn chế tối đa những “cái chết trắng” đã và đang diễn ra trên khắp hành tinh này.
07:00, 12/06/2019
14:06, 11/06/2019
19:00, 10/06/2019