21/11/2024 | 23:40 GMT+7, Hà Nội

Hàng trăm triệu bao nilông được sản xuất chỉ để bọc sách vở một lần rồi vứt

Cập nhật lúc: 16/06/2019, 07:00

Thay vì sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhiều doanh nghiệp lại đang đua nhau sản xuất hàng tỷ bao nilon mỗi năm để học sinh bọc sách vở một lần rồi vứt.

Vài trăm triệu chiếc bao nilon bọc sách vở thải ra ngoài môi trường

Hiện nay, đối tượng chủ yếu sử dụng nilon bọc sách vở là học sinh cấp 1 và cấp 2. Trong khi, theo báo cáo của Bộ Giáo dục, năm học 2018-2019, cả nước có tổng số 13.962.000 học sinh cấp 1, 2. Cụ thể có 8.359.000 học sinh tiểu học và 5.603.000 học sinh trung học cơ sở.

Trung bình mỗi năm, một học sinh dùng tới 30 chiếc bao nilon để bọc sách vở các loại với kích cỡ khác nhau. Nếu chúng ta làm phép tính nhanh sẽ thấy ngay số lượng nilon được sử dụng rồi thải ra môi trường lớn như thế nào -  13.962.000 x 30 = 418.860.000 chiếc nilon.

Để khảo sát kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên đã dạo quanh một vòng các cửa hàng sách, văn phòng phẩm quanh khu vực Hà Nội và trên các trang bán hàng thì nhận thấy có rất nhiều thương hiệu sản xuất nilon bọc sách với kích cỡ và thiết kế bắt mắt. Trong số những đơn vị sản xuất có một số đơn vị lớn, có tên tuổi như: Công ty TNHH Thương mại Kokuyo Việt Nam, Công ty Cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, cơ sở Cường Thịnh,… cùng nhiều đơn vị sản xuất nhỏ lẻ khác.

 Để thu hút được học sinh và phụ huynh, Hồng Hà còn trang trí chiếc nilông bọc sách vở cực kỳ bắt mắt với những hình vẽ dễ thương, đầy màu sắc và những câu nói khích lệ, yêu thương.

 Để thu hút được học sinh và phụ huynh, Hồng Hà còn trang trí chiếc nilon bọc sách vở cực kỳ bắt mắt với những hình vẽ dễ thương, đầy màu sắc và những câu nói khích lệ, yêu thương.

Để phục vụ nhu cầu của thị trường, các nhà sản xuất này còn không ngừng tung ra những chiếc nilon với nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với từng loại sách, vở mà học sinh đang dùng. Chúng còn được đóng gói thành dạng cuộn 10 chiếc nilon/túi hoặc bán lẻ từng chiếc một.

Giá thành của sản phẩm này cũng dao động từ 800 – 1.000 đồng/chiếc. Đặc biệt, với những địa chỉ như chợ Đồng Xuân, Hà Nội, khách hàng chỉ được phép mua theo lạng hoặc theo cân trở lên và không bán lẻ. Theo các tiểu thương ở đây, giai đoạn bán nilon bọc sách vở tốt nhất là vào đầu mỗi học kỳ. Các đại lý hoặc cửa hàng tạp hóa bán lẻ có thể đến tận chợ hoặc gọi điện đặt mua.

“Ở đây, chúng tôi bán với số lượng lớn, đổ buôn nên rất ít khi bán lẻ. Nguồn hàng thì được nhập ở nhiều nơi, từ hàng chính hãng công ty tới các xưởng sản xuất bao bì. Tôi thấy, mấy năm nay số lượng bọc nilon sách vở đang dần tăng lên do số học sinh tăng”, một người bán nilon bọc sách vở ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội cho hay.

 Có rất nhiều đơn vị sản xuất nilông bọc sách vở.

 Có rất nhiều đơn vị sản xuất nilon bọc sách vở.

Mỗi năm có hơn 400 triệu chiếc nilon bọc vở được sử dụng, nhưng hầu hết chúng chỉ được dùng một lần rồi bỏ đi. Vậy tác hại của việc sử dụng bao nilon đối với môi trường như thế nào và có hay chăng, hành động đó đang góp phần hủy hoại môi trường sống của chúng ta như bao lời cảnh báo của các chuyên gia.

"Tôi muốn thay đổi…"

Đây chính là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Phong (Phú Thọ), mẹ của 2 bé học lớp 4 và lớp 2 khi được hỏi về việc có nên ngưng dùng bao nilon bọc sách vở cho học sinh nhằm bảo vệ môi trường và thực hiện theo lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua hay không.

Theo chị Phong, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, nếu người dân duy trì thói quen tiện dụng như sử dụng bao nilon thì con cháu sẽ gánh hậu quả vô cùng khủng khiếp. Chưa kể, trẻ con bây giờ rất có ý thức trong việc giữ gìn sách vở, không nghịch, bôi bẩn như ngày xưa nên việc sử dụng bao nilon bọc sách vở là không cần thiết.

“Nếu không hành động ngay hôm nay thì tới khi nào chúng ta mới bắt đầu hành động để bảo vệ môi trường và sức khỏe”, chị Phong nói.

 Những cuộn nilông bọc sách vở như thế này khi vứt ra ngoài sẽ làm hủy hoại môi trường sống.

 Những cuộn nilon bọc sách vở như thế này khi vứt ra ngoài sẽ làm hủy hoại môi trường sống.

Cũng giống chị Phong, anh Lê Văn Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi thấy một siêu thị đóng gói các sản phẩm rau củ bằng lá chuối thay thế cho túi ni lông hay hành động đi chợ mang theo giỏ thì anh nhận ra rằng, dùng bao nilon để bọc sách vở cho con trẻ là điều lãng phí và góp phần gây nguy hại cho môi trường.

“Mục đích dùng bao nilon là để giúp trẻ giữ gìn sách vở luôn sạch đẹp, nhưng theo tôi cách làm đó cũng chính là hành động tiếp tay cho việc dạy hư con của mình. Trẻ nên được học và rèn luyện tính cách một cách nghiêm túc. Chúng phải tự ý thức được việc bảo quản sách vở của mình chứ không phải ỷ nại vào việc có bao nilon rồi thì muốn quăng quật như thế nào cũng được. Ngoài ra, chúng ta không nên lạm dụng dùng bao nilon vì môi trường sống đang quá ô nhiễm. Tôi muốn chúng ta ngừng ngay việc sử dụng nó trước khi quá muộn”, anh Dũng nói.

Ngoài ý kiến bao nilon bọc sách vở gây ô nhiễm môi trường và không rèn luyện được tính cách cẩn thận của con trẻ thì nhiều người cho rằng việc mua bao nilon là lãng phí, nhất là với những học sinh ở tỉnh xa.

Chị Chảo Mắn On (Điện Biên) có 2 người con học cấp 1 và một người con học cấp 2. Gia đình nhà chị thuộc hộ có thu nhập trung bình nên việc nuôi 3 con nhỏ ăn học là gánh nặng đối với họ. Khi phóng viên phỏng vấn về việc chị có ủng hộ việc dùng bao nilon để bọc sách vở cho con hay không thì chị ngay lập tức trả lời: “Tiền ăn còn không có, tiền đâu mà mua bao nilon bọc sách”.

Nhưng theo chị On, mặc dù có suy nghĩ như vậy, nhưng gia đình chị vẫn phải mua cho con dùng. “Lớp có 50 cháu thì có đến 45 cháu mua để bọc sách vở, không lẽ mình lại để cho con nằm trong số cá biệt 5 bạn kia, nên đành phải móc ví mua cho chúng. Trẻ ở đây toàn mua theo phong trào mà thôi, trong khi dùng rồi vứt đi chỉ làm bẩn môi trường chứ không được lợi gì cả”, chị On nói.

Cũng theo chị On, việc mua sản phẩm này được nhà trường ủng hộ và khuyến khích, nên học sinh đều răm rắp nghe theo. Chính vì vậy, chị có đề xuất, ngành giáo dục cần có những chỉ đạo và phối hợp với các cơ sở hạn chế dùng những sản phẩm nhằm tăng thêm gánh nặng cho người dân, đồng thời nên học theo lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -  “Hãy nói không với túi nilon, đồ nhựa dùng một lần”.

Trong lễ ra quân chống rác thải nhựa sáng ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và từng gia đình hãy nói không với túi nilon, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. “Cùng chung nỗ lực của cả nước, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng, tác động của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Việt Nam thể hiện quan điểm nhất quá phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Với những tác hại ghê gớm của rác thải nhựa, ngành giáo dục cũng như người dân cần phải xem xét lại việc sử dụng nilon để bọc sách vở cho học sinh để loại bỏ hơn 400 triệu chiếc nilon bọc sách vở được dùng và vứt ra môi trường hàng năm.