Thận trọng khi giao dịch để sở hữu chung cư
Cập nhật lúc: 27/05/2019, 20:00
Cập nhật lúc: 27/05/2019, 20:00
Hàng loạt các dự án nhà ở được quảng cáo rầm rộ, hạ tầng hiện đại với mức giá thuộc phân khúc cao cấp, thế nhưng thực tế khi người dân nhận nhà vào ở thì lại thất vọng bởi dự án không như quảng cáo. Đây là một trong những nút thắt của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
Để hạn chế về tranh chấp BĐS chủ đầu tư cần nêu cao chữ tín của mình (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, quy định xử phạt về việc quảng cáo gian dối đã có, nhưng đến nay chưa chủ đầu tư của dự án nào bị xử lý khiến người chịu thiệt vẫn là khách hàng. Do đó, các khách hàng cần thực sự tỉnh táo để lựa chọn các sản phẩm bất động sản (BĐS).
Trên thị trường BĐS hiện nay, rất nhiều dự án đã trở thành điểm nóng tranh chấp chung cư, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp, đó là việc nhà ở thực tế không giống với quảng cáo ban đầu, từ thiết kế căn hộ, chất lượng căn hộ, cho đến các tiện ích hạ tầng, cảnh quan xung quanh. Các khách hàng, bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ với kỳ vọng được tận hưởng cuộc sống chất lượng cao, thế nhưng họ lại bị nhiễu loạn thông tin khi mua hàng, và cuối cùng phải nhiều lần tập trung phản đối chủ đầu tư vì những quảng cáo không đúng sự thật.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho hay: Hiện nay chúng ta thấy loạn lên việc xưng danh, như chung cư cao cấp, căn hộ đẳng cấp, siêu cao cấp nhưng cũng chưa có tiêu chí nào đó để có thang tiêu chuẩn xếp loại. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng “nhầm lẫn”, hoặc cố tính nhầm lẫn, hoặc không nhận thức được hết để nhầm lẫn phân khúc giá cả thật với các chất lượng thật.
Vì việc phân phối BĐS là loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến tài chính rất lớn, liên quan đến pháp lý nên khuyến cáo được đưa ra là khách hàng hãy hết sức thận trọng. Đặc biệt cần lưu ý đến các dự báo về lợi nhuận, dự báo về rủi ro mà những người tham gia vào phân phối, truyền thông, quảng cáo về dự án đó không hiểu hết, kể cả phía đầu tư lẫn phía chuyển giao, dẫn tới việc nhiễu thông tin tới khách hàng.
Việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư đang trở thành nguyên nhân chính khiến nhiều khách hàng lo ngại khi muốn đầu tư vào chung cư để ở thực hay kiếm lời. Theo ghi nhận từ sàn giao dịch, nhiều dự án chung cư hiện nay tính thanh khoản rất thấp, trong khi các nhà cao tầng lại được xây dựng rất nhiều. Theo các chuyên gia, để cạnh tranh bán hàng được trong bối cảnh nguồn cung ồ ạt như hiện nay, năng lực và chữ tín của chủ đầu tư là vô cùng quan trọng.
Nhiều vụ tranh chấp chung cư đã xẩy ra trong thời gian gần đây
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cho biết: Chúng tôi cũng nhận thấy thực tế này đang là một trong những vấn đề khiến nhiều người mua quan ngại bởi lẽ khi họ mua sự kỳ vọng, họ đặt niềm tin vào chủ đầu tư. Vì thế tôi tin rằng các chủ đầu tư ở góc độ nào đó nếu muốn phát triển BĐS mang tính lâu dài thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta không thể nói rằng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc này và có chế tài nếu như chủ đầu tư không tuân thủ đúng như những gì họ cam kết. Từ đó sẽ dẫn tới bản thân họ sẽ mất uy tín, sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển lâu dài.
Từ năm 2015 trở lại đây, phân khúc căn hộ đã có sự hồi phục nhanh chóng. Nhiều khách hàng xuống tiền mua nhà trong giai đoạn này đều tin tưởng rằng, sau giai đoạn suy thoái, chủ đầu tư sẽ phát triển dự án chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên đến khi nhận bàn giao căn hộ, nhiều khách hàng mới thất vọng vì thực tế không giống như kì vọng và quảng cáo ban đầu của chủ đầu tư.
Nhiều chuyên gia BĐS cũng lo ngại, trong thời gian tới, khi hàng loạt dự án vào giai đọan bàn giao, tình trạng tranh chấp sẽ lại tái diễn như giai đoạn 2008 - 2013. Do đó, để tránh bị thiệt và phát sinh những vấn đề ảnh hưởng bất lợi đến mình, các khách hàng cần thận trọng trước khi xuống tiền mua nhà.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, chia sẻ: Khi xuống tiền mua nhà, trước tiên chúng ta phải thấy uy tín của chủ đầu tư, thứ 2 là đơn vị tư vấn thiết kế, thứ 3 là đơn vị thi công, sau cùng vẫn là sản phẩm thực sự và các quy định trong hợp đồng.
“Trước khi nhận sản phẩm thật, chúng ta phải căn cứ theo hợp đồng quy định về các mô tả, về sản phẩm BĐS chúng ta nhận được cũng như bản phụ lục hợp đồng về mô tả nguyên vật liệu hoàn thiện. Người mua hoặc nhà đầu tư nên quan tâm đến các thông số cụ thể thay vì các tờ quảng cáo, nên cụ thể hóa qua cái hợp đồng mà chúng ta nhận và kí kết với chủ đầu tư”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tư vấn, khi có tranh chấp, quan trọng nhất là hợp đồng và tài liệu liên quan đến hợp đồng. Đây chính là căn cứ, cơ sở để người dân có quyền khiếu nại, hoặc khiếu kiện sản phẩm không đúng như thỏa thuận. Do đó, người dân cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin về chủ đầu tư và quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.
06:00, 24/05/2019
12:00, 16/03/2019
19:30, 16/01/2019