16/04/2025 | 06:12 GMT+7, Hà Nội

Sáp nhập tỉnh thành sẽ hình thành các cực tăng trưởng mới, mở ra cơ hội cho DN

Cập nhật lúc: 15/04/2025, 08:26

Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, sáp nhập hiện nay, chuyên gia cho rằng, cần lưu tâm ngay từ đầu để việc thay đổi địa giới hành chính không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

Giảm bớt rào cản hành chính, thêm không gian phát triển

Trung ương vừa thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, đồng thời, thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc từ ngày 5/5/2025 để xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

ĐBQH, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, việc sáp nhập tỉnh thành sẽ tạo ra dư địa phát triển cho các địa phương. Như khi Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một phần Hòa Bình nhập vào Hà Nội hồi tháng 5/2008, Thủ đô đã có không gian phát triển gần 3.350 km² - thuộc nhóm các Thủ đô có diện tích lớn nhất khu vực. Hà Nội có thêm dư địa để quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng, xây dựng các chuỗi đô thị - công nghiệp - công nghệ.

Sau 17 năm, những nơi trước kia chậm phát triển như Hòa Lạc, Hoài Đức, Mê Linh… nay đã trở thành các vùng phát triển năng động, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của Thủ đô. Đặc biệt, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, việc hợp nhất đã giúp chính quyền thống nhất trong quy hoạch và quản lý đầu tư công. Ví dụ, tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến Vành đai 4 đang diễn ra nhanh chóng nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các quận, huyện trong địa bàn mới mở rộng.

"Nếu không có sự hội nhập đó, sẽ không có dư địa để hình thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng tầm với các đô thị lớn trên thế giới", ông Cường chia sẻ.

LS. Trần Đại Nghĩa, Chuyên gia chính sách pháp lý dự án đầu tư chia sẻ, việc sắp xếp đơn vị hành chính là bước đi phù hợp để hướng tới hình thành các cực tăng trưởng, đại đô thị, vùng liên kết phát triển. Khi quy mô đơn vị hành chính lớn hơn, việc tổ chức quản lý sẽ có tính chiến lược hơn, dễ phối hợp hơn trong phát triển vùng, tránh tình trạng cục bộ địa phương.

"Lợi ích của việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh là vô cùng lớn, chúng ta sẽ giảm bớt rào cản hành chính giữa các địa phương, phát huy lợi thế của các địa phương trong tỉnh mới, giảm bớt tình trạng "nhìn nhau" khi cùng làm các dự án có quy mô lớn. Điều này không phải hiếm gặp mà đã xảy ra nhiều lần như việc địa phương này xây cầu xong nhưng địa phương kia lại chưa bố trí vốn làm đường dẫn lên cầu mới", ông Nghĩa cho hay.

LS. Trần Đại Nghĩa, Chuyên gia chính sách pháp lý dự án đầu tư, CEO FIIVN.

Cùng với đó, lợi ích lớn trong việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính là việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương sẽ mạnh mẽ hơn. Chính quyền địa phương sẽ được/buộc phải tự quyết, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm khi triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Còn chính quyền cấp cơ sở (dưới cấp tỉnh) sẽ được trao nhiều thẩm quyền hơn trong việc quyết định các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, đầu tư…

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được tinh gọn cũng sẽ từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hướng tới hiệu quả công việc cao hơn, theo ông Nghĩa.

Doanh nghiệp cần nhạy bén tính toán, định hướng

CEO FIIVN chia sẻ, tới đây, khi quá trình sáp nhập các tỉnh diễn ra, việc điều chỉnh quy hoạch là không tránh khỏi. Đó không phải là việc cộng cơ học các chỉ tiêu quy hoạch của đồ án quy hoạch các tỉnh cũ, mà sẽ xây dựng các chỉ tiêu phát triển mới dựa trên quá trình tham vấn, xem xét việc phát huy lợi thế của mỗi địa phương và hướng phát triển cho từng khu vực.

"Ví dụ, có thể trong giai đoạn tỉnh cũ, khu vực này được định hướng là nông thôn, nhưng rất có khả năng, khi quá trình sáp nhập diễn ra thì khu vực đó sẽ được nâng cấp thành đô thị, nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội mới được mở ra", ông Nghĩa chỉ ra.

Việc sáp nhập các tỉnh thành thời gian tới không chỉ tạo ra một đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương và doanh nghiệp. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng. Đây cũng là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh trong một môi trường kinh tế rộng mở hơn. 

Doanh nghiệp cần nhanh chóng đánh giá các yếu tố thuận lợi khi địa giới hành chính nơi mình hoạt động được mở rộng, nhận định đâu là cơ hội và khó khăn thách thức để sớm có những kế hoạch hoạt động phù hợp. Đặc biệt cần sớm đưa ra chiến lược hợp lý với nội lực và tiềm năng của tỉnh mới. 

"Đây là thời điểm rất quan trọng, cần sự nhạy bén của doanh nghiệp trong quá trình định hướng, để việc thực hiện dự án, triển khai kế hoạch kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn", ông Nghĩa chia sẻ.

Nguồn: https://reatimes.vn/sap-nhap-tinh-thanh-se-hinh-thanh-cac-cuc-tang-truong-moi-mo-ra-co-hoi-cho-doanh-nghiep-2022503261713407.htm