19/01/2025 | 12:03 GMT+7, Hà Nội

Quyền lực của Nhà nước và con dấu quốc huy

Cập nhật lúc: 06/01/2019, 01:27

Mỗi người dân Việt Nam khi nhìn thấy một văn bản được đóng con dấu có hình quốc huy hẳn đều cảm thấy cái uy của văn bản ấy như thế nào. Ở đấy thể hiện quyền lực Nhà nước của quốc gia, là pháp lý, là lẽ phải, là sự chuẩn mực, là điểm tựa cho lòng tin hàng vạn vạn con người... Có được những văn bản ấy trong tay, cảm giác vững như bàn thạch.

Thế mà thời gian gần đây, trước con mắt của nhiều người dân, con dấu có hình quốc huy ở nhiều nơi, nhiều lúc đã được một số quan chức trong bộ máy Nhà nước sử dụng thiếu cẩn trọng, khiến cái uy của nó bị ảnh hưởng không nhỏ, quyền lực Nhà nước bị xói mòn; hệ thống pháp lý bị phá vỡ; lẽ phải, lòng tin bị chao đảo...

Ví dụ thì không thiếu, nhưng với diễn đàn chuyên ngành của Reatimes này, tôi chỉ xin nêu những sự việc đang nóng nhất, được nhiều người quan tâm nhất trong lĩnh vực bất động sản, đó là sự vô hiệu hóa uy lực của nhiều con dấu quốc huy đã được ban hành trong nhiều dự án đầu tư đang diễn ra hiện nay.

Dự án Charmington Iris trên

Dự án Charmington Iris trên "đất vàng" bị thu hồi

Chẳng hạn, hôm mới đây, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án Charmington Iris tại 76 Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM) của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land.

Việc một cơ quan Nhà nước ra quyết định thu hồi hiệu lực của quyết định trước đó là việc bình thường, được pháp luật cho phép. Mọi thiệt hại giữa các bên liên quan cũng đã được quy định bởi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều đáng bàn ở đây là, việc tùy tiện sử dụng con dấu có hình quốc huy đã và đang dồn gánh nặng không đáng có cho người dân và cho doanh nghiệp. Nhưng đấy chưa phải là quan trọng nhất, mà đấy là sự ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh quốc gia, là ảnh hưởng tới lời hứa của Chính phủ đối với giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian gần đây.

Sự lận đận của dự án Charmington Iris nêu trên (có quy mô 1.440 căn hộ, tổng vốn đầu tư dự án 1.441 tỷ đồng) được hiển hiện sau rất nhiều con dấu có hình quốc huy.

Để được “sinh ra”, Bộ Công Thương đã công văn chấp thuận vào ngày 14/1/2016. Tiếp nữa, ngày 12/8/2016, UBND TP.HCM ra Quyết định số 4140/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư theo. Dự án cũng đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 theo Văn bản số 4404/SQHKT-QHKTT ngày 27/9/2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Lại tiếp nữa, UBND TP. HCM cho phép sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án theo quyết định số 6057/QĐ-UBND ngày 18/11/2016. UBND TP. HCM đồng thời ban hành quyết định chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư trong Quyết định số 3538/QĐ-UBND ngày 22/8/2018...

Tất cả đều có các con dấu bảo đảm, mà đều là ở cấp cao trong quản lý hành chính ở địa phương tại lĩnh vực này.

Có trong tay những văn bản còn chắc hơn “đinh đóng cột” ấy, ai mà không tự tin, ai mà không tự hào, ai mà không yên tâm dốc tiền vào để đầu tư?

Nay đùng một cái, thu hồi, như nước chảy trôi sông, ráo hoảnh!

Phối cảnh dự án Charmington Iris.

Phối cảnh dự án Charmington Iris.

Đến đây, tôi lại nhớ đến sự kiện của khách sạn Mường Thanh Nha Trang (Khánh Hòa).

Câu chuyện bắt đầu từ ngày12/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi ấy là ông Nguyễn Chiến Thắng đã ký thỏa thuận cho Mường Thanh Khánh Hòa xây tới 47 tầng và 2 tầng hầm, trên tổng diện tích đất 5.864m2. Sở Xây dựng đã căn cứ và đó để cấp phép.

Đến ngày 17/6/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản thỏa thuận điều chỉnh cho Mường Thanh Khánh Hòa xây lên đến 48 tầng, với tổng diện tích đất được tăng lên tới 6.895m2. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng cấp GPXD và phụ lục điều chỉnh GPXD cho Mường Thanh Khánh Hòa với diện tích đất, số tầng theo các công văn thỏa thuận nêu trên.

Nhưng khốn nỗi, theo quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ngày 25/9/2012 thì chiều cao các công trình xây dựng tối đa ở khu vực mà Mường Thanh Khánh Hòa đang xây cao ốc là không quá 40 tầng.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 5/1/2016, tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản yêu cầu Mường Thanh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án với chiều cao không quá 40 tầng.

Thôi thì trời không sợ đất thì đất phải sợ trời. Nay Mường Thanh Nha Trang đã cắt xong khách sạn của mình xuống còn 40 tầng rồi, nhưng trong lòng chắc chắn tâm chưa phục, khẩu cũng chưa phục...

Thế đấy, với người dân và các doanh nghiệp, con dấu có hình quốc huy cấp tỉnh ở địa phương đã là tối thượng, vậy mà vẫn không đáng tin cậy (!?). Vậy chẳng lẽ mỗi dự án lại phải chạy lên đến tận... Chính phủ?

Cách đây ít lâu, khi Quốc hội bàn thảo về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cánh luật sư và nhà báo chuyên ngành chúng tôi vừa mừng lại vừa lo lắng. Mừng là mọi sự trả giá của người dân và các doanh nghiệp phải gánh do sự yếu kém của công chức đã có cơ hội được bù đắp, nhưng cái lo lại lớn hơn nhiều, bởi công chức nhà mình càng ngày càng có nhiều quyết định sai lầm, Nhà nước lấy tiền đâu mà bồi thường cho nổi!

Có người bảo, ôi, các người cứ “lo bò trắng răng”! Doanh nghiệp sẽ không bao giờ dám “cãi” lại, bởi vì sự tồn tại của chính mình. Như Mường Thanh Khánh Hòa đấy, Phước Kiển đấy...!

Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ, cái uy của con dấu mang hình quốc huy thì hình như ít người nghĩ tới!