22/11/2024 | 13:16 GMT+7, Hà Nội

Phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật lúc: 26/01/2021, 15:44

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu không có tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế nhu cầu chính đáng của người dân.

- Thưa ông, tín dụng đen vẫn đang diễn biến phức tạp và để lại nhiều hệ lụy. Ông có thể lý giải dưới góc độ kinh tế, vì sao loại hình tín dụng phi pháp này vẫn tồn tại và nở rộ ở nước ta?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Trong khi chúng ta chưa có được các tổ chức tài chính mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thì tín dụng đen ra đời và bùng phát là điều tất yếu.

Thực ra, tín dụng đen rất nguy hại và người dân tham gia vay dù đã được cảnh báo nhưng vẫn dính vào. Như vậy, rõ ràng tín dụng đen đang đáp ứng những mong muốn, yêu cầu cấp bách về tiền của người dân.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng truyền thống cần có quy trình, điều kiện, thủ tục để cho vay. Không thể không có gì thế chấp hay cắt giảm trình tự thủ tục để cho vay ngay nếu không sẽ vi phạm quy định về kiểm soát rủi ro.


GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

- Thưa ông, khi phát triển thị trường tài chính tiêu dùng có hạn chế tín dụng đen không?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Rõ ràng khi tài chính tiêu dùng cá nhân phát triển sẽ hạn chế tín dụng đen.

Nhưng chúng ta không thể dùng ngân hàng truyền thống cho vay tiêu dùng được, bởi ngân hàng phải cho vay thế chấp. Trong khi nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng, phần lớn là các nhu cầu nhanh chóng, cấp bách, thậm chí là các nhu cầu hưởng thụ theo thị hiếu và thói quen tiêu dùng thời đại mới.

Cho nên, phải là các công ty tài chính công nghệ, phải là ứng dụng Fintech. Khi khai báo vay tiền vào hệ thống sẽ biết ngay lịch sử tín dụng, thu nhập, quan hệ của người vay… Như vậy, ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu cấp vốn.

- Vì sao ở các nước phát triển, tín dụng cho tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao còn ở Việt Nam lại thấp như vậy, thưa Đại biểu?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, thị trường tài chính tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao là do có hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân, chủ yếu là tín chấp đơn giản tiện lợi. Họ tiêu dùng bằng lương, có lương là yên tâm để sống, dùng thẻ tiêu trước, trả sau khi có lương.

Tại Việt Nam, người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt, chỉ dùng thẻ khi lỡ chứ không có ý đồ dùng thẻ để đi vay tiền tiêu dùng.

- Ông có thể đánh giá về vai trò của tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Rõ ràng nếu như sản xuất xong tích trữ lại thì nền kinh tế gặp phải khó khăn lớn trong việc kích cầu. Trong hoạt động thanh toán tiêu dùng, nếu như không có sẵn nguồn tài chính thì nhiều nhu cầu buộc phải trì hoãn.

Ví dụ như hôm nay, tôi đi xem một chiếc xe, tôi muốn đổi xe mới nhưng chưa có đủ tiền, nhưng lại có nguồn tài chính tín dụng tiêu dùng cho vay trước, trả sau thì tôi sẽ đổi xe luôn. Còn nếu phải đến ngân hàng làm thủ tục vay phức tạp thì có thể sẽ không đổi nữa.

Như vậy, không có tài chính tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế nhu cầu của người dân. Nếu nguồn vốn tài trợ mạnh mẽ sẽ kích thích các nhu cầu tiêu dùng đa dạng, từ đó kích thích sản xuất.

- Xin ông đánh giá và dự báo về tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Nếu như có chính sách thúc đẩy thuận lợi, chắc chắn thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ càng ngày càng phát triển, bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, phong cách và thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi rõ rệt. Thế hệ trước, phải “ăn chắc, mặc bền”, phải dự trữ, tiết kiệm, có của ăn, của để mới mua sắm và đầu tư. Thế hệ mới đang dần sống bằng lương, tiêu dùng bằng lương, sẵn sàng tiêu trước, trả sau. Họ không nghĩ nhiều đến chuyện tích lũy mà làm đến đâu, hưởng đến đó, sẵn sàng vay tiền tiêu dùng để mua sắm và họ nhìn ra có nguồn để đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu đó. Sự thay đổi phong cách này đã gần giống với điều kiện phát triển của các thị trường trên thế giới.

Thứ hai, cuộc cách mạng Fintech đang lan tỏa trong các doanh nghiệp công nghệ tài chính và đồng thời, tỷ lệ tiếp cận công nghệ thông tin của người Việt rất cao. Như vậy, tiêu dùng thẻ và mua sắm online sẽ ngày càng phổ biến. Điều đó đang tạo ra cơ hội để người dân dễ dàng tiêu dùng hơn, và khi đó, thị trường tài chính tiêu dùng cá nhân sẽ phát triển mạnh mẽ.

- Theo ông, Nhà nước nên khuyến khích thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bằng cách nào?

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Đó là điều quan trọng nhất cần tập trung bàn và đưa ra giải pháp. Vẫn còn những rào cản không hợp lý cho hoạt động công nghệ tài chính tiêu dùng tồn tại và phát triển.

Đơn cử như hiện nay, việc thanh toán ví điện tử còn những quy định chưa phù hợp với xu hướng thời đại kinh tế số. Vẫn còn bị tư duy quản lý truyền thống ràng buộc, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.

Nhà nước phải kiểm soát và có hành lang pháp lý cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển. Giống như câu chuyện đòi nợ thuê, dù có nhu cầu nhưng khi không kiểm soát được thì cấm là điều không ổn.

Người vay tiền không trả, có thể do bản thân người vay cố tình không trả hoặc giữa người đi vay và cho vay chưa tìm được tiếng nói chung. Nếu Nhà nước kiểm soát tốt thì hoạt động này sẽ chuyển thành dịch vụ lành mạnh, có ích cho xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/phat-trien-tin-dung-tieu-dung-se-day-lui-tin-dung-den-20201231000000597.html