24/01/2025 | 18:37 GMT+7, Hà Nội

Phát hiện 1 mẫu đất có khuẩn Whitmore tại gia đình có 3 trẻ tử vong

Cập nhật lúc: 11/12/2019, 11:39

Các chuyên gia cho biết, mẫu có vi khuẩn gây bệnh Whitmore là mẫu đất sâu dưới 90 cm nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa có thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu đất, nước tại Sóc Sơn, Hà Nội sau khi có 2 anh em ruột tử vong do nhiễm khuẩn Whitmore.

Trước đó các chuyên gia đã điều tra dịch tễ và lấy mẫu đất ở gia đình này để xét nghiệm tìm nguồn gây bệnh, sau khi 2 bé trai trong gia đình liên tiếp tử vong trong vòng một tháng. Kết quả xét nghiệm 2 bé dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Đầu tháng 4 gia đình này có 1 bé gái 7 tuổi tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày sốt.

Phát hiện 1 mẫu đất có khuẩn Whitmore tại gia đình có 3 trẻ tử vong. Ảnh minh họa

Kết quả phát hiện có một mẫu có vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Đây là mẫu đất được lấy ở độ sâu dưới 90cm nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình.

TS.BS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, mẫu đất phát hiện có khuẩn Whitmore được lấy từ khuôn viên của hộ gia đình bệnh nhân.

"Chúng ta khẳng định bệnh này lây truyền nguồn từ chủ yếu là từ đất. Bệnh tản phát riêng lẻ từng cá thể, không thành dịch”, BS Nghĩa nói.

Cơ quan chức năng đề nghị hệ thống kiểm soát bệnh tật địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh Whitmore, tránh biến chứng.

Cũng theo vị chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguy cơ lây nhiễm là rất khó. Ngoài ra cũng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bệnh Whitmore lây từ người sang người.

Bệnh không gây thành dịch mà xảy ra tản phát ở từng cá thể, đặc biệt nhóm người có vết xước, tổn thương trên da tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bị ô nhiễm có vi khuẩn Whirmore mà không sử dụng các biện pháp phòng hộ như đi ủng cao su, găng tay chống nước, quần áo dài khi lao động…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.