Chưa có bằng chứng về việc 2 trẻ tử vong do lây truyền Whitmore cho nhau
Cập nhật lúc: 19/11/2019, 06:40
Cập nhật lúc: 19/11/2019, 06:40
Liên quan sự việc 3 chị em ở Sóc Sơn (Hà Nội) tử vong liên tiếp vì mắc Whitmore, chiều 18/11, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, đơn vị này đang tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội.
Trong số 3 cháu bé này, 2 trường hợp mất gần đây nhất là sinh năm 2014 và 2018 (mất 31/10 và 16/11) với kết quả xét nghiệm dương tính vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore, khiến nhiều người lo ngại về việc lây nhiễm vi khuẩn này.
"Việc 2 cháu bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm, trong một gia đình là điều đáng quan tâm. Chúng tôi đã và đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, Cục liên quan để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân", TS Cảm thông tin.
Bệnh nhi H. khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào tuần trước
Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy chưa có gì đặc biệt. Bố mẹ các bệnh nhi khoẻ mạnh, làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh. Với gia đình không có gì bất thường. Tại trường học và hàng xóm chung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự.
Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản để phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị.
“Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người bệnh lý sẽ có có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn, người mạnh khoẻ miễn dịch tốt ít có nguy cơ nhiễm bệnh", TS Cảm nói.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi 2 bé trai nhập viện và tử vong do khuẩn Whitmore cho hay, việc một gia đình mất 3 đứa con trong thời gian ngắn rất thương xót. 2 trong số 3 cháu được xác định chắc chắn mắc khuẩn Whitmore, cháu lớn (7 tuổi) chưa đủ cơ sở xác định.
Về trường hợp cậu em út là bé T.Q.H. (19 tháng tuổi) vừa tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 16/11, PGS Điển cho biết, khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 - 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.
Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ngay sau đó phía bệnh viện đã báo cáo ca bệnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội.
Các kết quả kiểm tra hệ miễn dịch, chức năng bạch cầu hạt của bệnh nhi H. đều trong giới hạn bình thường, tức không có bệnh lý bất thường, tuy nhiên các kết quả sâu hơn liên quan đến gene, bệnh viện chưa tiếp cận.
09:00, 16/11/2019
08:00, 11/11/2019
12:23, 05/11/2019