22/11/2024 | 16:15 GMT+7, Hà Nội

Phấn đấu có 4.500 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lâm sản

Cập nhật lúc: 09/01/2019, 14:06

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sẽ phấn đấu trong thời gian tới có 4.500 doanh nghiệp tham gia ngành kinh tế lâm nghiệp. Riêng trong năm 2018, Việt Nam đã chủ động được 80% nguyên liệu cho ngành kinh tế này với kim ngạch xuất khẩu trên 9 tỷ USD.

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0% (Ảnh TL)

Để đạt mục tiêu này, ngay sau khi EU đưa ra những khuyến nghị, Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thiện về thể chế, pháp luật. 9 nội dung khuyến nghị của EU đã được đưa vào luật và trong quá trình hoàn thiện pháp luật, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ cộng tác từ EU. Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực thi vì mục tiêu phát triển bền vững mà trước hết là cho Việt Nam. 

Về lâm nghiệp, Việt Nam rất coi trọng vấn đề phát triển lâm nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có trên 14 triệu ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Đây là tỷ lệ cao trong khu vực và thế giới, đặc biệt là so với trình độ nền kinh tế và địa hình của Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như năng suất rừng trồng chưa cao. Những người tham gia chuỗi còn chưa nhiều, diện tích rừng đạt chứng chỉ bền vững (FSC) còn thấp… Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu ngành kinh tế này, hướng đến minh mạch hóa chuỗi sản xuất từ nguyên liệu, chế biến và thương mại. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã triển khai Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững (Chương trình 886) theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng. 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8 - 8,5 tỷ USD.

Ngọc Hà