Nông sản Việt được “giải cứu” trên các chợ online
Cập nhật lúc: 25/05/2021, 10:45
Cập nhật lúc: 25/05/2021, 10:45
Trong suốt năm 2020, cả nước rộ lên phong trào giải cứu nông sản cho các địa phương nằm trong vùng dịch như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Hàng tấn nông sản như su hào, cà chua, bắp cải, cà rốt;... được đưa lên thành phố tiêu thụ, mong vớt lại lại phần nào mùa vụ thất bát.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ lâu dài, việc ồ ạt tổ chức các chương trình giải cứu nông sản không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Bởi, các nông sản giải cứu không mang lại giá trị cao, gây lãng phí cho ngành nông nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giải cứu nông sản diễn ra từ năm này qua năm khác vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý, hiệu quả. Việc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp ngắn hạn, và nếu áp dụng thường xuyên sẽ vô tình biến "một căn bệnh cấp tính thành mãn tính" đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo bà Lan, giải cứu nông sản không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của các ngành khác, như ngành vận chuyển, công thương, lãi suất ngân hàng;....
“Rủi ro trong ngành nông nghiệp là rất lớn do các yếu tố về thời tiết, thị trường, vì thế Nhà nước phải có chính sách, các ngành cần chung tay”, bà Lan nhấn mạnh.
Trước nghịch cảnh này, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã có giải pháp “giải cứu nông sản giai đoạn công nghệ”, đưa nông sản Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, vải thiều và hành tím được lựa chọn thí điểm để bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, sự vào cuộc nhanh chóng và chuyên nghiệp từ các sàn thương mại điện tử trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào mùa hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là thiết thực với bà con nông dân.
Theo ông Phú: Để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử vẫn bảo đảm độ tươi, ngon của trái cây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh…
“Việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, năm nay sản phẩm vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang đều đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn.
Để tăng khả năng tiêu thụ, cũng như hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, các đơn vị của Bộ Công Thương đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều.
Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD. Bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.
Nguồn: https://congluan.vn/nong-san-viet-duoc-giai-cuu-tren-cac-cho-online-post135252.html
06:15, 20/05/2021
09:59, 26/04/2021
07:00, 19/04/2021