19/01/2025 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Nỗi lo chưa có hồi kết nhìn từ vụ thang máy chung cư rơi tự do tại Nam Trung Yên

Cập nhật lúc: 02/12/2020, 13:00

Sau hàng loạt vụ việc thang máy gặp sự cố rơi tự do, nỗi lo về sự an toàn khi sinh sống tại chung cư của các cư dân vẫn chưa có hồi kết...

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Sáng ngày 30/11, thang máy tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên bất ngờ rơi tự do từ tầng 5 xuống tầng một, đang khiến nhiều cư dân tại các chung cư hoang mang, lo lắng. Nỗi lo về sự an toàn lại dấy lên; đồng thời, như hồi chuông cảnh tỉnh về việc quản lý chất lượng thang máy hiện đang sử dụng tại các chung cư.

Trước đó, tháng 7/2020, thang máy chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng liên tục rơi tự do khiến cư dân dân sinh sống tại chung cư thêm một phen "hú vía" vì ngày 30/06, cũng tại chung cư này, thang máy B2 cũng bị rơi tự do từ tầng 4 xuống tầng 1.

Thang máy đang là nỗi ám ảnh chung của các cư dân.

Năm 2017, tòa nhà chung cư Hei Tower, đường Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng bị rơi thang máy khiến chị Vũ Quỳnh Tr. (27 tuổi, quê huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bị gãy xương đùi.

Nghiêm trọng hơn, năm 2014 tại nhà N5A khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã xảy ra một tai nạn chết người khi thang máy rơi tự do. Nạn nhân là ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, quê Phú Thọ), nhân viên bảo vệ tòa nhà trên.

Một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại tòa nhà CT3 Yên Hòa, Cầu Giấy. Vụ tai nạn thang máy khiến ông Nguyễn Văn Hòa (quận Tây Hồ) tử vong tại chỗ.

Nỗi lo chưa có hồi kết

Sau khi xảy ra sự cố thang máy rơi tự do tại chung cư thuộc Nam Trung Yên (Cầu Giấy), được biết, UBND phường đã làm việc với Ban quản trị (BQT) nhà B10A, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, bước đầu xác định BQT có ký hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà với Công ty CP tư vấn HMB Hà Nội và ký hợp đồng bảo trì thang máy với Công ty CP tập đoàn công nghệ ATT. Thang máy được bảo trì định kỳ hàng tháng, có đầy đủ lý lịch hồ sơ bảo trì.

Thang máy tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên bất ngờ rơi tự do từ tầng 5 xuống tầng một.

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh: "Dù thuộc diện được hỗ trợ ngân sách để sửa chữa, bảo trì thang máy nhưng nhiều năm qua, cư dân tòa nhà tái định cư B10A Nam Trung Yên (Hà Nội) đều phải đóng góp tiền để sửa chữa mỗi khi thang máy hỏng hóc". Sau sự cố, người dân tại đây lại càng hoang mang, lo lắng mỗi khi đi thang máy. 

Được biết, cả 4 thang máy của tòa nhà mới được kiểm định hôm 12/8/2020 và có hiệu lực đến 12/8/2021. Đầu năm nay, BQT tòa nhà chi gần 600 triệu đồng để sữa chữa, bảo hành tất cả 4 thang máy này.

Hiện nguyên nhân sự cố rơi thang máy tại nhà tái định cư B10A Nam Trung Yên, đang được Công an quận Cầu Giấy xác minh, làm rõ.

Trên thực tế, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn từ thang máy nhưng nguyên nhân ra sao, ai chịu trách nhiệm hầu như không được nhắc tới. 

Tại một số tòa nhà chung cư khi bắt đầu hết thời kỳ bảo hành thì một loạt sự cố mới diễn ra. Công ty cung cấp lắp đăt, bảo trì đều phủi trách nhiệm, chủ đầu tư "đùn đẩy" và ban quản lý tòa nhà “lắc đầu” vì không có kinh phí. Trong khi đó, thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính về mọi hạng mục thi công.

“Theo quy định tại khoản 3 điều 623 của Bộ luật Dân sự thì chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp thang máy phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ tai nạn do tài sản của mình gây ra; phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại” - Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy đã được quy định tại Phụ lục A, TCVN 6395:1998 và Điều 3, TCVN 5744:1993. Theo đó, thời hạn bảo trì định kỳ thang máy là không quá 2 tháng/lần. Công việc bảo trì phải do một đơn vị có chuyên môn thực hiện, có giấy phép Nhà nước và được nhà sản xuất ủy quyền.

Tòa nhà B10A Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự cố thang máy rơi tự do.

Theo các chuyên gia cơ điện, vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ, thì sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề này. Nhiều trường hợp các loại thang máy kém chất lượng được tự thiết kế và sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào, tính năng an toàn, các thông số đo độ rung lắc, khả năng tải của thang máy đều bị "biến tấu" đi và sai lệch. Hệ quả là sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Theo tiêu chuẩn, khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng thang máy không được quá 60 ngày nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng.

Trước hàng loạt vụ việc thang máy hư hỏng rơi tự do, nỗi lo về sự an toàn khi sinh sống tại chung cư vẫn chưa có hồi kết. Bởi khi xảy ra sự cố, ai là người chịu trách nhiệm, bồi thường ra sao vẫn là vấn đề chưa được minh bạch.

Theo Điều 36 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm bảo hành".

Xử phạt vi phạm quy định về thiết kế công trình:

Theo các khoản 1 và 3 Điều 29 Nghị định trên:

+ Hành vi Thay đổi thiết kế không theo đúng trình tự quy định bị phạt 10 – 20 triệu đồng

+ Hành vi Thiết kế không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; phòng, chống cháy nổ; ứng phó với biến đổi khí hậu và các điều kiện an toàn khác bị phạt 30 – 40 triệu đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Căn cứ bồi thường:

Theo Điều 605 Bộ luật dân sự 2015, khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì:

- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Theo đó, chủ đầu tư của chung cư và người thi công công trình là những người có trách nhiệm phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

Các thiệt hại phải được đến bù:

Theo các Điều 590 và 591 BLDS thì:

*Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị

- Thiệt hại khác do pháp luật quy định

*Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Các thiệt hại trên phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Kỹ năng xử lý khi thang máy rơi tự do

Sự cố thang máy là điều không ai mong muốn bởi nó có khả năng gây ra nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của con người. Tuy nhiên, đối với máy móc khi hoạt động không thể tránh khỏi những trục trặc chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Bởi thế, việc làm sao có thể tìm hiểu về các sự cố có thể xuất hiện ở thang máy sẽ giúp chúng ta có thể chủ động trong việc bảo vệ bản thân, kiểm soát tình hình nhằm bảo vệ cho bản thân mình.

Kỹ năng xử lý khi thang máy rơi tự do là kỹ năng cần thiết cho mọi cư dân.

Tình trạng thang máy rơi tự do tuy không thường xuất hiện song có nguy cơ và cần được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn có thể sống sót khi thang máy rơi tự do, và những quan niệm sai lầm mà nhiều người vẫn lầm tưởng là đúng.

1. Không nên nhảy

Nhiều người cho rằng việc nhảy lên khi thang máy rơi tự do sẽ giúp giảm thiểu lực tác động. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng đúng kĩ thuật, bạn cần phải có đủ thời gian cũng như nhảy đúng với tốc độ mà thang máy đang rơi xuống. Do đó, việc nhảy lên khi thang máy đang rơi chỉ làm tăng khả năng khiến bạn bị đập đầu vào thang máy, sau đó đập xuống sàn và bị thương nặng hơn.

2. Đừng đứng thẳng

Đứng thẳng cũng không phải là lựa chọn tốt nhất nếu bạn bị kẹt khi thang máy đang rơi tự do. Việc đứng thẳng có thể sẽ gây thương tích nghiêm trọng cho chân và cột sống, lượng trọng lực đè xuống cơ thể sẽ gấp khoảng 10 lần những gì bạn thường trải nghiệm.

3. Ngồi

Phản ứng tự nhiên của một số người khi thang máy rơi tự do là ngồi xuống. Mặc dù chấn thương khi ngồi sẽ ít hơn so với việc đứng thẳng, tuy nhiên, vị trí này cũng sẽ gây thương tích cho cột sống.

Các nhà khoa học tại Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã chỉ ra cách tốt nhất để sống sót khi thang máy rơi tự do là bạn hãy nhanh chóng nằm ra giữa sàn để phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể, tay có thể dùng để che mặt để tránh hạn chế các mảnh vụn. Trong trường hợp thang máy đông người, và không thể nằm xuống, bạn nên ngồi ở tư thế bó gối. Bằng cách này có thể giảm tối đa chấn thương xảy ra khi thang máy va chạm với mặt đất.