24/11/2024 | 04:16 GMT+7, Hà Nội

Rà soát các nhà chung cư không có diện tích sinh hoạt cộng đồng

Cập nhật lúc: 30/11/2020, 16:05

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND về Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Quy định này áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư được thực hiện như sau:

Căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

Việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng: Đối với nhà chung cư thương mại: Thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014; Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư: Đơn vị được UBND Thành phố giao quản lý nhà chung cư phục vụ tái định cư tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Rà soát các nhà chung cư không có diện tích sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh: HNM)

Đối với bảo trì nhà chung cư: Các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư được đầu tư từ ngân sách, ngoài các nội dung về bảo trì nhà chung cư nói chung, còn thực hiện theo quy đĩnh tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018, của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những quy định có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư không quy định trong Quy định này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP có 117/176 tòa chung cư tái định cư đã được bố trí và bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó 14 tòa có nhà sinh hoạt cộng đồng song do chưa đủ 50% số hộ dân về ở nên chưa bàn giao cho ban quản trị; 33 tòa đã rà soát, bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng từ diện tích khác song đang còn vướng mắc, chưa bàn giao...

Trước đó, theo thống kê, Hà Nội hiện có nhiều chung cư tái định cư ngay từ khâu thiết kế xây dựng ban đầu đã không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyển đổi công năng sử dụng của một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư này để bố trí sử dụng vào mục đích trên. Đây là sự quan tâm thiết thực của thành phố nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của cư dân.

Bên cạnh đó, để quản lý hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư sau bàn giao, UBND TP cũng đã ban hành Văn bản số 2285/UBND-STC giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước được bố trí sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích. UBND thành phố cũng giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng.